Sân khấu

 “Điều còn lại” – Vở kịch hay về đề tài hậu chiến

Hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, “Điều còn lại” – Vở kịch về đề tài hậu chiến sẽ được Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn phục vụ khán giả vào tối 26/7/2019 tại Rạp của Nhà hát số 1, Tràng Tiền, Hà Nội.

Điều còn lại là kịch bản của tác giả Nguyễn Đăng Chương và được dàn dựng bởi đạo diễn Kiều Minh Hiếu. Câu chuyện kịch kể về thời hậu chiến ở làng Bồng, một ngôi làng nghèo của vùng quê nông thôn đồng bằng Bắc bộ có nghề làm cốm.

Thuyến – một cô gái mới 18 tuổi, lấy chồng được mấy hôm thì Bân – chồng cô vào bộ đội. Tuổi trẻ, sức thanh xuân phơi phới nhưng sớm phải xa chồng khiến cho Thuyến không giữ được mình … Để rồi khi Bường, – anh bộ đội qua làng, cô và Bường đã nảy sinh tình cảm và họ đã qua đêm với nhau. Hai người bị làng xóm, chính quyền đấu tố vì tội “hủ hóa” nhưng bà Muộn – mẹ chồng Thuyến đã lên tiếng bênh vực cho con dâu, vì một lý do: muốn có đứa cháu để trông cậy về sau này…

Mấy năm sau, Bân – chồng Thuyến trở về. Mọi việc vỡ lở và Bân không chấp nhận được sự thật đó. Câu chuyện của gia đình nhà Thuyến – Bân bắt đầu từ đây…

Theo Đạo diễn Kiều Minh Hiếu: “Đây là bi kịch của những người tốt. Trên cơ sở kịch bản này tôi quyết định dàn dựng vở diễn với ý tưởng không lên án chiến tranh mà đi sâu vào khai thác về con người, về cách ứng xử giữa con người với con người trước những mất mát do chiến tranh gây ra”.

Vở kịch Điều còn lại đã đi sâu vào khai thác đời sống tâm lý của các nhân vật, cách ứng xử, đối diện với nỗi đau mất mát. Và với những gì đã thể hiện, nói Điều còn lại là bi kịch của những người tốt như đạo diễn quả là không sai.

Xem kịch thấy rằng hiếm có người mẹ chồng nào tốt như bà Muộn. Chồng hy sinh từ khi còn trẻ nhưng bà Muộn kiên quyết thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn. Theo lẽ thường, những người như bà sẽ khắt khe, sẽ đòi hỏi con dâu cũng phải sống đúng đạo như mình, thế nhưng với bà thì khác. Bà đã trải những năm tháng cô đơn của người vợ trẻ vò võ chờ chồng, thờ chồng, thấu hiểu được nỗi đau thương mất mát của chiến tranh và liệu số phận của Bân, con trai bà cũng chưa biết có may mắn hơn cha… Có lẽ vì thế mà bà đã thông cảm, chia sẻ và bênh vực con dâu với niềm mong mỏi có đứa cháu để trông cậy… Đến nỗi khi chứng kiến cảnh Bân trở về và không chấp nhận sự phản bội của vợ, bà đã thốt lên: Giá như con đừng trở về…

Còn Bân, anh đã biết sự thật về mối quan hệ của vợ và Bường từ khi còn ở chiến trường và việc anh trở về là một sự sắp đặt có chủ ý vì hạnh phúc của vợ… Bên cạnh đó còn có nhân vật ông Ánh, người đem lòng yêu thương bà Muộn nhưng không thành lứa đôi và ông vẫn luôn bên cạnh bà như chiếc bóng để rồi luôn chứng kiến nhiều nỗi đau thương, bất hạnh của người mà mình yêu thương…

Trong vai trò thiết kế sân khấu, NSƯT Đỗ Doãn Bằng đã đưa người xem đến với một không gian đậm chất làng quê Bắc bộ với nhà tre, với những bó rơm vàng óng, đẹp như một bức tranh. Và điều đáng nói hơn nữa là họa sĩ đã lựa chọn một số đạo cụ như chày, cối… vừa thể hiện được đặc trưng cho một làng làm cốm và cũng vừa mang tính ẩn dụ thể hiện nỗi khát khao của những người phụ nữ cô đơn chờ chồng… Âm nhạc của vở diễn cũng được đánh giá có chất liệu mượt mà, sâu lắng, trữ tình… Tất cả những điều đó đã khiến cho Điều còn lại – vở diễn đầu tay của của đạo diễn Kiều Minh Hiếu thật sự xúc động và lấy được nước mắt của đông đảo người xem.

Với Điều còn lại, đây cũng là vở diễn đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt dàn diễn viên trẻ, đẹp vừa trúng tuyển trong đợt thi sát hạch gần đây nhất. Đó là các gương mặt trẻ như: Phương Nga, Tô Dũng, Việt Hoa, Ba Duy, Tuyết Trinh, Quang Đạo, Minh Hải, Minh Quân…

Và chắc chắn, đêm diễn 26/7 tới đây, vở kịch Điều còn lại của Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục đón nhận được nhiều tình cảm yêu thương của đông đảo khán giả Thủ đô như những đêm ra mắt và công diễn đầu tiên.

Lan Hương

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *