Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng Công và Thánh Bà Trương Mỵ Nương, con gái làng Quan Nhân làm thành hoàng làng.
Đình Quan Nhân còn được gọi là đình trong, thuộc làng Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Đình được xây dựng trên một khu đất cao và rộng, nhìn theo hướng Đông Bắc. Đình Quan Nhân có kiến trúc khá bề thế, quy mô rộng, có cảnh quan đẹp. Tương truyền đình được xây dựng từ thời nhà Lý.
Đình được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, với Cổng đình, Tả vu, Đại bái, Hậu cung, Ống muống, Nhà bia và hệ thống sân, vườn hoa, tường bao xung quanh khu di tích. Ngoài ra, phía bên tả liền toà Đại bái có Tầu Voi là nơi để voi thờ, phục vụ lễ hội. Tượng thành hoàng làng được đặt Hậu cung.
Trong quần thể di tích của làng Quan Nhân còn có phủ Dực Đức thờ Thánh Bà Trương Mỵ nương; nhà Mộc dục – Nơi tắm Thánh trong dịp lễ hội, đình Hội Xuân – Nơi rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà ra ngự trong những ngày lễ hội và Văn chỉ của làng.
Đình Quan Nhân hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị, trong đó có tấm bia dựng năm Chính Hoà 22 (1701) đời vua Lê Hy Tông; tấm bia đồng khắc năm Tự Đức thứ 6 (1853) chép về sự tích vị thần được thờ; ngoài ra còn hệ thống bi ký, sắc phong; cửa võng; chuông đồng; khánh đồng cùng nhiều di vật thờ tự khác. Đáng lưu ý, đình còn bảo quản được hàng chục bức Hoành phi (đại tự), 12 bản sắc phong và những đôi câu đối ghi trên cốt đá.
Đình Quan Nhân đã được xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 1989.
Đình Quan Nhân thờ Trung Nghĩa đại vương Hùng Lãng Công và Thánh Bà Trương Mỵ Nương, con gái làng Quan Nhân làm thành hoàng làng. Hằng năm, Nhân dân tổ chức lễ hội vào ngày 11 tháng Hai âm lịch có rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà ra đình Hội Xuân và rước các Thánh du xuân.
Hùng Lãng Công là một tướng giỏi có công dẹp giặc Nam Chiếu, thời vua Hùng. Ông cùng vợ đã giúp con dân làng Mọc Quan Nhân diệt trừ dịch bệnh và xin triều đình được miễn sưu thuế.
Chuyện rằng, khi đánh giặc Nam Chiếu ông đã chiến thắng nhiều trận, tuy nhiên, trong một lần bị giặc vây, để giữ vững khí tiết, ông đã trẫm mình tự “hóa”.
Tôn kính ông, người làng đã suy tôn Hùng Lãng Công là Thần – Tức Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công.
Đến đầu thế kỉ XX, Tàu Voi của đình Quan Nhân là kho thóc thu thuế của Nhật đã được các tổ chức Thanh niên cứu quốc, Đội tự vệ chia thóc cứu đói cho dân quanh vùng.
Cũng tại đây, vào trung tuần tháng 12-1946, đồng chí Vương Thừa Vũ trực tiếp tổ chức, động viên, thành lập một Tiểu đội các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô và dự buổi lễ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ “Vệ quốc đoàn”. Ngày 27-8-2006, Nhân dân Quan Nhân đã vinh dự được tổ chức Lễ đón nhận Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và gắn biển Di tích cách mạng – kháng chiến cho di tích đình Quan Nhân.
Sau nhiều năm gián đoạn, từ năm 1989, dân làng Quan Nhân đã phục lại Hội Xuân ở đình nhằm thể hiện sự tôn kính của người dân với công lao phù trợ của hai vị Thần thánh. Đây cũng là khởi đầu cho lễ rước kiệu Thánh du Xuân trong lễ hội 5 làng Mọc và cũng là 1 nghi lễ quan trọng, riêng biệt của lễ hội 5 làng Mọc: Lễ hội rước các Thánh du Xuân và thưởng lãm cảnh quan 5 làng; cầu cho quốc thái dân an. Địa điểm chính diễn ra lễ hội là ở đình các thôn Mọc, trong đó đình Quan Nhân, quận Thanh Xuân thường được coi là trung tâm của lễ hội.
Lễ hội truyền thống 5 làng Mọc được hình thành từ tục kết chạ giữa 5 làng: Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang, vừa kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau. 5 làng Mọc nay là các phố, phường thuộc 2 quận Thanh Xuân (chủ yếu) và Nam Từ Liêm.
Lễ hội Năm làng Mọc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27/05/2021 và ngày 16/04/2022 phường Nhân Chính – quận Thanh Xuân và phường Trung Văn – quận Nam Từ Liêm đã tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản cấp quốc gia Lễ hội Năm Làng Mọc tại Đình Quan Nhân – phường Nhân Chính.
Đình Quan Nhân không chỉ là ngôi đình cổ kính, là trung tâm của lễ hội 5 làng Mọc mà còn là nơi khởi đầu của lễ hội 5 làng Mọc nổi tiếng khắp Kinh kì.
Thanh Anh