Lễ hội

Độc đáo lễ hội cướp Kén làng Vân Sa

Lễ hội cướp Kén làng Vân Sa, hay còn gọi là Trò Chiềng, là một nét văn hóa độc đáo có từ lâu đời, được tổ chức 5 năm một lần vào mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán. Trong ngày hội, đình làng Vân Sa đã rộn ràng trong tiếng trống hội, cờ hoa rực rỡ khắp các ngả đường. Vào ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã đổ về đình làng Vân Sa, xã Phú Hồng, huyện Ba Vì để tham gia lễ hội cướp kén – một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc bậc nhất của vùng ven sông Hồng.

Thôn Vân Sa nằm ven sông Hồng, tọa lạc trên một dải đất phù sa màu mỡ thuộc địa phận xã Tản Hồng (nay là xã Phú Hồng), huyện Ba Vì. Hàng năm, lễ hội Vân Sa được tổ chức vào ngày mồng 4 và ngày mồng 5 tết nhằm tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị liệt nữ Ngũ Nương cùng Huệ Vũ đại vương – Trần Quốc Chẩn. Lễ hội Vân Sa được tổ chức tại đình và miếu của thôn.

Không khí lễ hội đã bắt đầu từ sáng mùng 4, khi đội kéo quân của làng diễu hành khắp các ngõ xóm, báo hiệu ngày hội sắp đến. Dẫn đầu đoàn rước là người đóng vai lý trưởng cưỡi ngựa, theo sau là 12 đến 14 trai tráng trong trang phục lính, tay cầm gậy lệnh, vững bước theo nhịp trống hội rộn ràng.

Tiếng loa vang khắp làng, thúc giục các giáp chuẩn bị lễ vật, tham gia hội làng. Những cụ già trong nhà bồi hồi sửa soạn mâm cúng, những người con xa quê vội vã trở về, lũ trẻ thì háo hức chờ đợi khoảnh khắc hội chính diễn ra. Không khí lễ hội lan tỏa khắp thôn xóm, rạo rực như một bản hòa ca mùa xuân.

Trong ngày mùng 5, trong sắc xuân rực rỡ, lễ rước kiệu được tổ chức trọng thể. Đoàn rước xuất phát từ miếu thờ Đức Thánh Bà Ngũ Nương, vị thần linh thiêng bảo hộ cho dân làng. Đi đầu đoàn rước là các bậc cao niên mặc áo dài khăn xếp chỉnh tề, tay cầm hương án, kính cẩn dẫn đường. Phía sau là hàng chục thanh niên trai tráng, mang theo lễ vật, cờ lọng và hình tượng những sợi kén vàng óng – biểu tượng cho sự no đủ, thịnh vượng, từng bước uy nghiêm tiến về đình làng Vân Sa trong tiếng chiêng trống vang dội.

Trên đường đi, người dân hai bên đường thành kính dâng hương, hòa vào không khí linh thiêng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những người phụ nữ trong làng tay bưng mâm lễ vật gồm oản, quả, xôi, gà, cau, trầu, rượu và hoa, tất cả đều được chuẩn bị công phu, thể hiện tấm lòng thành kính với thần linh.

Lễ rước không chỉ là một nghi thức tâm linh mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, sự trân trọng đối với những giá trị văn hóa truyền thống đã được truyền đời qua bao thế hệ.

Sau khi kiệu Thánh an vị tại đình làng, tiếng trống hội vang lên rộn ràng báo hiệu phần hội chính thức bắt đầu. Đây là khoảnh khắc mà mọi người mong chờ, cũng chính là nét văn hóa đặc sắc tượng trưng cho tài lộc, sự sinh sôi và may mắn.

Tại trung tâm sân đình, một giàn sào cao sừng sững được dựng lên, phía trên treo những sợi kén vàng óng, lấp lánh dưới ánh nắng xuân. Những sợi kén ấy không đơn thuần chỉ là những vật phẩm trong lễ hội, mà từ bao đời nay, chúng đã mang theo niềm tin linh thiêng của người dân: cướp được kén, cướp được lộc – cả năm sung túc, mùa màng bội thu, công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc.

Hình tượng những sợi kén vàng óng – biểu tượng cho sự no đủ, thịnh vượng

Khi hiệu lệnh trống hội dồn dập vang lên, giây phút hồi hộp nhất cũng chính thức bắt đầu. Cả sân đình như vỡ òa, hàng chục chàng trai lực lưỡng cùng lao vào, mắt hướng lên cao, cánh tay vươn ra, cố gắng chộp lấy những sợi kén đang lơ lửng giữa không trung. Những tiếng hò reo, cổ vũ vang vọng cả một góc làng, tạo nên một khung cảnh náo nhiệt, sôi động, đậm chất lễ hội dân gian.

Trò cướp kén không chỉ là một màn thi đấu thể lực, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, của niềm vui chung trong ngày đầu xuân. Người cướp được kén vui mừng vì may mắn, người không giành được cũng rạng rỡ vì được hòa mình vào không khí hội làng, cùng đón một năm mới bình an, hạnh phúc, tràn đầy lộc xuân.

Khi trò cướp kén kết thúc, những chàng trai giành được nhiều kén nhất được dân làng tán thưởng, chúc mừng. Người ta tin rằng, những sợi kén này không chỉ mang đến vận may cho người cướp được mà còn lan tỏa phúc lộc đến cả gia đình, dòng họ.

Một người dân sau khi khi cướp được Kén đã mang về báo cáo tổ tiên

Ngoài trò cướp kén, lễ hội còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác như trò tứ dân lạc nghiệp (tái hiện bốn nghề sĩ, nông, công, thương), múa tứ linh, kéo co, vật dân tộc và hát đối đáp. Tất cả tạo nên một không gian văn hóa sống động, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, nơi người già truyền lại cho lớp trẻ những giá trị quý báu của cha ông.

Lễ hội Vân Sa là một lễ hội làng nghề đặc trưng của phía Bắc, cũng là một lễ hội gắn liền với tín ngưỡng phồn thực của những người nông dân làm nông nghiệp. Vượt lên ý nghĩa một nghi thức truyền thống, cướp kén không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn phản ánh ước vọng sinh sôi, phát triển, sự sung túc và thịnh vượng của cư dân ven sông Hồng.

PV (t/h)

Ảnh: Thành Long – Đức Độ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *