Tin ngành

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC TOÀN DIỆN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

​Thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015", thời gian qua, ngành Giáo dục – Đào tạo Hà Nội đã tích cực chủ động xây dựng và triển khai nhiệm vụ với những mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, ngành GD-ĐT Hà Nội đang triển khai 4 đề án quan trọng nằm trong danh mục đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô giai đoạn 2011-2015. Đó là, đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT và quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Thủ đô; xây dựng mô hình cung ứng dịch vụ trình độ, chất lượng cao; triển khai dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho học sinh Hà Nội. 

Việc thực hiện các đề án này đã thu được những kết quả khả quan ngay từ năm học 2010 – 2011, năm học thứ 3 kể từ khi Hà Nội hợp nhất. Qui mô phát triển ngành cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân toàn thành phố với hơn 2.500 cơ sở giáo dục, gần 106.000 cán bộ giáo viên, 1,5 triệu học sinh. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, tạo môi trường dạy, học tốt nhất cho thầy và trò. Thành phố đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để cơ bản xóa hết số phòng học tạm, phòng học bán kiên cố, xuống cấp ở các nhà trường. Cùng với nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn xã hội hóa, tùy theo điều kiện thực tế mà mỗi quận, huyện, thị xã đã chọn cho mình cách đầu tư phù hợp. Đơn vị ở khu vực nội thành đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều trường chuẩn với các phòng chức năng hiện đại; các trường vùng khó khăn tập trung vào việc xây mới nhiều phòng học để thay thế cho các phòng học nhờ, học tạm… Đến năm 2015, toàn thành phố đã xóa 6.500 phòng học tạm, phòng học cấp 4 với kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hà Nội rất quan tâm đến các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại như mua sắm thiết bị, đồ chơi; đổi mới chương trình; cung ứng SGK; trang bị sách cho thư viện…Hiện nay, Hà Nội có 2.574 đơn vị trường học với 1.664.195 học sinh. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được chú trọng, năm học 2010- 2011, toàn thành phố chỉ có 296 trường tiểu học, 165 trường THCS, 20 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, đến nay đã có 410 trường Tiểu học, 311 trường THCS và 44 trường THPT đạt chuẩn.

doimoi1.png

​Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông – Hà Nội) là một trong những ngôi trường THPT hiện đại nhất Thủ đô, với diện tích 5,6ha.Trường được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2013 (Ảnh sưu tầm)

Việc xây dựng đội ngũ giáo viên (GV) theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng được toàn ngành coi là biện pháp đột phá trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học, khắc phục tình trạng "xôi đỗ" về trình độ đào tạo, năng lực nghiệp vụ của GV các nhà trường. Quy chế tuyển dụng GV ngày càng hoàn thiện theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở, tạo điều kiện để các nhà trường chọn được người phù hợp với yêu cầu công việc. Mặt bằng chung về chất lượng đội ngũ được hình thành, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV khu vực trung tâm thành phố và các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục thực hiện Kế hoạch 111 của UBND Thành phố về "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011 – 2016". Hàng loạt các lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục từ đó nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô. Với việc tập trung đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn và hiện đại về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ, chất lượng GD của ngành ngày càng ổn định, tiến bộ rõ rệt. Ý thức hiểu biết, chấp hành pháp luật; kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô, cha mẹ của HS được nâng lên; tình trạng HS yếu kém giảm dần; số HS bỏ học ở các cấp học đều giảm. Đến nay, Hà Nội đã huy động được 29,4% trẻ nhà trẻ, 97,1% trẻ mẫu giáo đến lớp và 100% trẻ ở độ tuổi 5 tuổi đến lớp. Cuối năm 2013, Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước kế hoạch của thành phố 1 năm và trước 2 năm so với toàn quốc. Đối với giáo dục phổ thông, Hà Nội không ngừng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đến nay toàn thành phố các quận, huyện, thị xã đều hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2. Hà Nội đã chỉ đạo tốt việc dạy – học 2 buổi/ngày, năm học 2014-2015 có 96,01% học sinh được học 2 buổi/ngày. Đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, tích cực chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục bậc trung học. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước biên soạn và đã đưa vào giảng dạy tại 100% các trường phổ thông chương trình Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh, đã buớc đầu có những kết quả tích cực, góp phần khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh ngày nay trong việc kế thừa truyền thống thanh lịch, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.​

doimoi2.jpg

Trao thưởng cho  học sinh xuất sắc tiêu biểu năm học 2014 – 2015

(Ảnh: Mai Châm)​

Việc đổi mới phương pháp dạy học đang được triển khai tất cả các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục. Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2010 – 2015, Hà Nội có hơn 8.000 HS THPT giỏi cấp thành phố, gần 700 HS giỏi cấp quốc gia, 44 HS đạt giải quốc tế. Chất lượng đội ngũ nhà giáo có bước phát triển mạnh với gần 1.300 giáo viên giỏi cấp thành phố, 4 giáo viên giỏi cấp quốc gia. Tại Lễ tuyên dương khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015 và học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT Thủ đô đã trao bằng khen của Bộ GD-ĐT cho 11 tập thể, 5 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015; tặng bằng khen của UBND thành phố cho các HS tiêu biểu năm học 2014-2015, HS đoạt giải quốc gia, quốc tế…Để đạt được những chuyển biến mạnh mẽ về cả lượng và chất như ngày hôm nay có sự nỗ lực không nhỏ của ngành GD-ĐT Hà Nội, góp phần vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp CNH – HĐH đất nước và Thủ đô.

Minh Hà​

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *