Hà Nội đẹp

Đôn Thư – Miền quê hiếu học

Làng Đôn Thư thuộc xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, hầu hết các dòng họ ở làng Đôn Thư đều thành lập Quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần học tập, khen thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập…

Làng Đôn Thư xưa thuộc phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội). “Đôn” là cái giá để sách. “Thư” là sách. Đôn Thư mang ý nghĩa như chứa đựng thông điệp về sự phát tích khoa bảng thi thư của làng.

Đôn Thư trước kia có hơn 30 người đỗ Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Thám hoa làm quan trong triều, làm tri huyện, tri phủ ở các địa phương, lập nhiều công lớn, được Nhân dân truyền tụng, ghi nhớ. Từ thời Trần, dòng họ Nguyễn Hầu có 17 người được phong tước hầu, tước bá. Qua các thời Lê, Nguyễn, hơn 30 dòng họ ở Đôn Thư đều có người đỗ đạt.

Làng Đôn Thư hôm nay.

Ảnh: Đỗ Minh

Danh sĩ Vũ Công Trấn (1685-1755) là niềm tự hào lớn của người Đôn Thư. Cụ có tài văn chương nổi tiếng, năm 40 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1724, niên hiệu Bảo Thái thứ năm đời Lê Dụ Tông. Cụ từng giữ chức Bồi tụng, Tả thị lang bộ Binh kiêm Đông các đại học sĩ, được phong tước Thư Trạch hầu. Trong dân gian có nhiều câu chuyện kể về cụ như một tấm gương đức độ, người thắp lửa nhân ái và truyền thống hiếu học cho làng Đôn Thư. Dòng họ Phạm Vũ ở Đôn Thư nức tiếng hiếu học với nhiều vị khoa bảng. Vào thời Nguyễn có cụ Phạm Vũ Phác (tức Phạm Vũ Quyền) đỗ Hương Cống cùng với chú là Phạm Đình Dư, khoa Đinh Mão (năm 1807). Cụ Quyền dự thi khi tuổi còn nhỏ, chưa có tên trong sổ đinh nên phải mượn tên chú ruột là Phạm Vũ Phác. Cụ Quyền được tuyển chọn phụ trách cơ quan Quốc Tử Giám, được phong Tư Nghiệp. Khi cụ qua đời được nhà vua gửi viếng mười chữ:“Sự nghiệp tam triều vọng/Văn chương nhất quốc sư”. Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm (tức Phạm Vũ Hàm) cũng là người nối tiếp truyền thống khoa bảng ở Đôn Thư. Ông chính là vị Tam nguyên cuối cùng của lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Phạm Vũ Hàm sinh năm 1864, con cụ đồ Phạm Vũ Dự. Từ nhỏ, Phạm Vũ Hàm đã có tư chất thông minh. Cụ đồ Dự muốn xin cho con học ở Quốc Tử Giám, nhưng nơi đây chỉ dành cho con em trong hoàng tộc. Nhờ giải được vế đối của quan Đốc học Vũ Nhự, Phạm Vũ Hàm được nhận làm con nuôi quan Đốc học, mang họ tên là Vũ Phạm Hàm để vào học trường Quốc Tử Giám. Vũ Phạm Hàm từng được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Hà Nội, Án sát tỉnh Hải Dương. Sự nghiệp vừa mở rộng, tài năng văn chương đang độ phát triển thì Vũ Phạm Hàm chẳng may bệnh nặng, mất khi mới 43 tuổi, để lại cho đời 2 tác phẩm là Thư Trì thi tập và Tập Đường thuật hoài…

Nhân cách và chí khí của Tiến sĩ Vũ Công Trấn, Tư Nghiệp Phạm Vũ Quyền và Thám hoa Vũ Phạm Hàm mãi mãi soi sáng con đường học hành cho làng Đôn Thư và xã Kim Thư. Đình làng Đôn Thư hiện còn lưu giữ 16 đạo sắc phong, 6 bức hoành phi và nhiều câu đối rất giá trị, trong đó có bức “Văn khí hạo nhiên” (mạch văn tốt đẹp là lẽ đương nhiên), “Cổ đạo chiếu nhan” (ý nói rằng đạo lý từ xưa ở vùng đất này đã sáng chói). Bức đại tự sơn son thếp vàng “Mỹ tục khả phong” do triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho làng vào năm Tự Đức thứ 19, luôn được người Đôn Thư nâng niu với tất cả sự trân trọng, tự hào.

Hiện nay, hầu hết các dòng họ ở làng Đôn Thư đều thành lập Quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần học tập, khen thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập. Trưởng thành từ Đôn Thư có nhiều người học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, hàng trăm người có trình độ Đại học, Cao đẳng…đang tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, làm rạng danh làng khoa bảng.

 Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *