Ngày 31/10, Dự án Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám tổ chức buổi mạn đàm đầu tiên với chủ đề “Đóng góp của khoa cử, trí thức Việt Nam thế kỉ XIX trong dòng chảy thời đại”.
Buổi mạn đàm với sự tham gia của TS. Vũ Đức Liêm – giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng.
Đây là câu chuyện về vai trò của khoa cử và trí thức trong dòng chảy thời đại ở Việt Nam thế kỷ XIX. Thế kỷ XIX là giai đoạn chế độ phong kiến Việt Nam cuối cùng dưới triều đại nhà Nguyễn. Tồn tại từ 1802 đến 1919, giáo dục khoa cử Nho học thời Nguyễn diễn ra trong bối cảnh vô cùng phức tạp với sự chuyển biến của thế giới cũng như trong nước. Tuy nhiên từ cái nhìn lịch đại, ta có thể thấy một số đặc điểm của chế độ giáo dục khoa cử triều Nguyễn.
Khoa cử diễn ra với mục đích là lựa chọn nhân tài dưới triều đại phong kiến. Sự hùng mạnh của một triều đại cũng tùy thuộc vào chính sách dùng người của triều đại đó. Nhận thức được vai trò của khoa cử trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế, triều Nguyễn lấy Nho giáo làm quốc giáo, ra sức chấn chỉnh chế độ giáo dục khoa cử.
Mặc dù giáo dục khoa cử thế kỷ XIX (thời nhà Nguyễn) có nhiều cải cách nhưng vẫn không phù hợp với những chuyển biến của xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Giáo dục khoa cử Nho học đã trở nên lỗi thời. Bởi vậy nên trí tuệ của dân chúng không được tập hợp, khối đoàn kết dân tộc vẫn không được củng cố, và được bồi dưỡng dẫn đến sự chấm dứt của Nho học với thời kỳ thực dân Pháp.
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng Nho giáo đã ảnh hướng tới đại đa số người dân cho đến ngày nay. Nho học bành trướng được như vậy phần là nhờ khoa cử, ngày nay phái Tân học tuy không biết đạo Nho nhưng vẫn thừa hưởng cái khí tiết, đức độ của tầng lớp tri thức trước để lại.
Buổi mạn đàm là cuộc trò chuyện xoay quanh nội dung về tầm quan trọng của tầng lớp tri thức khoa cử trong xã hội Nho giáo; khung cảnh giáo dục Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX; và đóng góp lớn của giới trí thức khoa cử trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
Ngọc Hà