Nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Đề án Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, sáng 17/3, tại hội trường Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Đống Đa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn Thành phố với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”.
Đến dự có ông Khuất Văn Quý – Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Dân – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội; ông Nguyễn Hoàng Giáp – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa; cùng đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố; Thành Đoàn Hà Nội; đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở VHTT; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã; đại diện các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn Thành phố.
Ngày 20/3 hằng năm còn được gọi là ngày Hạnh phúc, với thông điệp: Cân bằng, hài hoà là một trong những chìa khoá để mang đến hạnh phúc. Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được chính thức công bố tại hội nghị của Liên Hợp Quốc (năm 2012) theo đề xuất của vương quốc Bhutan. Đến nay đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn đề xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng một xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hoà bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên Hợp Quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 hằng năm”. Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, đề từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam, kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với cộng đồng nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: Tại Thủ đô Hà Nội, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm” và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các văn bản hướng dẫn; Thành phố đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, hướng dẫn các hoạt động về tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc… Bám sát chỉ đạo của Thành phố, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các quận, huyện, thị xã đã có những hoạt động thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn để triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Tiêu biểu như tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc; chủ đề và thông điệp của Liên hợp quốc; chủ đề, khẩu hiệu riêng và các hoạt động của Việt Nam, của Thành phố; chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh.
“Kỷ niệm 10 năm thực hiện đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023 với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”, đây cũng là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng với Thủ đô trong việc quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “văn hiến – văn minh – hiện đại”. 2023 cũng là năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ 10 chương trình cấp uỷ… nhằm đánh giá và tiếp tục có các giải pháp quyết liệt để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, trong đó có nội dung về đánh giá về công tác gia đình, xây dựng gia đình văn hoá, hạnh phúc, tổ dân phố, thôn làng văn hoá, cộng đồng hạnh phúc; công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; nhân rộng các mô hình tiêu biểu và tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” – bà Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Tại đây, các đại biểu cũng đã nghe các tham luận về kết quả triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì. Đồng thời, lắng nghe những chia sẻ và kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc của các vị khách mời là đại diện cơ quan tham mưu Sở Văn hóa và Thể thao về công tác quản lý nhà nước về gia đình, đại diện phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thị xã, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố; và đặc biệt là những chia sẻ đầy ý nghĩa đến từ đại diện các gia đình với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”.
Bà Nguyễn Thị Chắt (83 tuổi), đại diện gia đình với 4 thế hệ chung sống tại huyện Phúc Thọ chia sẻ, gia đình bà có 4 thế hệ chung sống với 11 thành viên. “Để có một gia đình chung sống hòa thuận, hạnh phúc thì trước hết ông bà, cha mẹ phải có tâm, có đức để giáo dục con cháu sống có trên có dưới, hòa thuận, đầm ấm; Luôn nhắc nhở con cháu phải chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra đường luôn kính trên nhường dưới, đi về phải chào hỏi, lễ phép với ông bà, cha mẹ; giáo dục các cháu từ tuổi nhỏ luôn giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây…”.
Gia đình tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Mối quan hệ trong gia đình lại có nền tảng từ sự ứng xử giữa các thành viên. Đặc biệt là mối quan hệ cơ bản của vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu và anh, chị, em. Mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa các thành viên là điều kiện đảm bảo để gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Tại buổi gặp mặt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh thêm: “Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, với thông điệp “Hạnh phúc cho mọi người”, chúng ta hãy cùng chung tay kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam, của Thăng Long nghìn năm văn hiến; giữ gìn nét đẹp văn hoá ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, xã hội phồn vinh. Phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô”.
Bình Dương