Gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và cũng […]
Gia đình là nền tảng của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm của nhiều ban ngành, nhiều tổ chức xã hội và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân.
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Với ý nghĩa ấy, vào ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 72 chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Việc thành lập ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
Ngày nay, việc nuôi dưỡng giáo dục con cái, đáp ứng nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình, đồng thời quan tâm giáo dục văn hoá trong các hoạt động sống của gia đình, tham gia Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp.
Ngày gia đình Việt Nam cũng là một ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng thêm hiểu về giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Để hưởng ứng sự kiện chính trị, xã hội và văn hóa quan trọng này, nhiều Bộ, Ban, Ngành và tổ chức xã hội đã và đang phối hợp tổ chức, thực hiện những hoạt động thích hợp với một chủ đề cụ thể và thiết thực, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.
Việc “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội” là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên được quan tâm. Nhiều phong trào đã từng bước được đẩy mạnh như: phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình; phát triển dịch vụ cộng đồng; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, đồng thời phối hợp tuyên tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, đưa kiến thức gia đình vào trường học…
Hiện nay, công tác Gia đình và văn hóa gia đình trước những thách thức của tiến trình hội nhập. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội, có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Nhiều tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động.
Để tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng gia đình Việt Nam với các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; khẳng định các giá trị văn hóa gia đình…Năm nay, nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam, Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; Tiếp tục nêu cao và khẳng định ý nghĩa của bữa cơm gia đình; Tổ chức liên hoan, gặp gỡ các gia đình văn hóa tiêu biểu năm nhằm tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển của xã hội.
Hùng Minh