Chưa được phân loại

Gia Lâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng yêu cầu hội nhập

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, công tác phát triển văn hóa – xã hội của huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều mục tiêu về phát triển văn hóa xã hội bước đầu đạt được kết quả tốt. Môi trường văn hóa, chất lượng và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Một trong những mục tiêu được huyện Gia Lâm tập trung là phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Công tác giáo dục toàn diện, phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và giữ vững. 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp: Nhà trẻ đạt 37%; mẫu giáo đạt 96,5%; học sinh độ tuổi tiểu học đi học đạt 101,3%; học sinh độ tuổi THCS đi học 100%. Chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cấp học ngày càng được nâng cao. Phong trào thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi liên tục đạt thành tích xuất sắc. Công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có sự tiến bộ rõ nét cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng; 81,2% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn.

4 năm liền (2015, 2016, 2017, 2018) huyện Gia Lâm giành giải Nhất toàn đoàn giải chạy Báo Hànộimới – Vì hòa bình khối quận, huyện, thị xã

Công tác tuyên truyền phát động Nhân dân tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được tăng cường. Hiện nay, việc rèn luyện thể thao được quan tâm: 37% người tập luyện thể thao thường xuyên; 28% gia đình thể thao; 100% trường học đảm bảo công tác giáo dục thể chất 2 tiết/tuần; 100% trường học thực hiện tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa; 95% học sinh các cấp đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định; 100% chiến sĩ quân đội, chiến sĩ công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định; 90% công nhân, viên chức, lao động tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; 70% người cao tuổi luyện tập thể thao. Tích cực tham gia các giải thể thao thành tích cao và đạt kết quả tốt, tiêu biểu như: 04 năm liền (2015, 2016, 2017, 2018) giành giải Nhất toàn đoàn giải chạy Báo Hànộimới – Vì hòa bình khối quận, huyện, thị xã; Đội tuyển kéo co huyện Gia Lâm đại diện thành phố Hà Nội tham gia giải Kéo co Toàn quốc tại tỉnh Bình Phước năm 2016 giành 01 HCV, 04 HCĐ; nhiều vận động viên người Gia Lâm tham gia thi đấu Thể thao tại giải Toàn quốc, các kỳ Seagames, Châu lục… giành nhiều huy chương, tiêu biểu như Nguyễn Quốc Luật (HCĐ môn Điền kinh tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2017), Hoàng Thị Phương Giang (HCV Wushu SEA Games 29), Trần Đình Trọng, Đỗ Hùng Dũng (Á quân Giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2018)…

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chù nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức 511 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật; tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với 85.235 lượt đại biểu tham gia. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa ”, “Uống nước nhớ nguồn” chăm sóc các gia đình chính sách, người có công được quan tâm sâu sắc. Một số đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng quỹ  “Triệu trái tim một tấm lòng”, “Vòng tay nhân ái”. Gắn phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội. Các đề án về phát triển kinh tế trên địa bàn huyện luôn gắn với văn hóa và cộng đồng. Các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa tăng dần qua các năm.

Trong xây dựng nếp sống văn minh, các quy định trong việc cưới đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hủ tục lạc hậu như thách cưới quá cao hầu như không còn. Tỷ lệ hỏa táng năm sau cao hơn năm trước, đến hết năm 2018 đã có 68,9% số người qua đời thực hiện việc hỏa táng, tăng 12% so với năm 2014. Huyện đã quan tâm đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội phát triển toàn diện. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 03 Trung tâm Văn hóa tại các xã, 88 nhà văn hóa thôn; sửa chữa nâng cấp 01 nhà thi đấu, nâng cấp 01 nhà văn hóa; làm mới 02 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 01 sân cỏ 11 người tại Trung tâm Văn hóa -Thông tin và Thể thao huyện. Có 187/192 thôn, làng, Tổ dân phố có nhà văn hóa thể thao, đạt 97%. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 94,1%, tỷ lệ thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa” đạt 89,6%, tỷ lệ tổ dân phố đạt “Tổ dân phố văn hóa” đạt 93,2%. Đồng thời, gắn kết bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng phương án phát triển du lịch Bát Tràng giai đoạn 2018 – 2020.

Đáng chú ý, huyện coi trọng công tác hội nhập quốc tế, phát triển tăng cường giao lưu và hợp tác văn hóa, đẩy mạnh công tác quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch của huyện qua các kênh truyền hình, hệ thống cổng thông tin điện tử, báo, đài, tổ chức các sự kiện lớn. Hàng năm, nhiều giải thi đấu được tổ chức tại Nhà thi đấu huyện Gia Lâm như Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia PV Oil 2017, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII Hà Nội 2018, giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas năm 2018; 100 lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện được tổ chức quy mô, đúng quy định, trong đó, có hai lễ hội lớn là Hội Gióng (đền Phù Đổng), Lễ hội đền bà Tấm – Nguyên phi Ỷ Lan (xã Dương Xá) thu hút đông đảo khảch thập phương về dâng lễ, đây là cơ hội để giao lưu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện các nghiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, sửa chữa, bổ sung một số điều trong quy ước thôn, TDP văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng văn hóa trong xây dựng nông thôn mới của địa phương để Nhân dân có thể thực hiện hiệu quả. Song song với đó, tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa: Âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị thể thao ngoài trời, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại các nhà sinh hoạt truyền thống ở thôn, TDP phục vụ cho việc phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện và xã, thị trấn. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hưởng thụ văn hóa, hòa nhập với cộng đồng và bảo vệ bản sắc văn hóa vốn có của địa phương. Đồng thời, phối hợp rà soát, tham mưu Thành phố ban hành và tổ chức thực hiện những chính sách đãi ngộ đối với những nghệ nhân, nghệ sĩ, những tài năng trẻ trên lĩnh vực văn hóa – thể thao.

Lam Sơn

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *