Tham gia đoàn còn có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương và lãnh đạo một số cơ quan Trung ương.
Về phía Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, các ban Đảng Thành ủy và một số sở, ngành.
Theo Cổng GTDDT TP
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, trong những năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố đã bám sát chương trình công tác của Ban Dân vận Trung ương và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố, tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về công tác dân vận và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng tích cực triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 25/7/2013 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; thực hiện công tác dân vận gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các phong trào thi đua yêu nước. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên. Hệ thống dân vận từ Thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Hoạt động của hệ thống dân vận Thành phố có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp. Công tác dân vận của các cấp chính quyền Thành phố có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Công tác tôn giáo, dân tộc được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, giải quyết kịp thời nhiều việc mới, việc khó, phức tạp về tôn giáo, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung trên địa bàn Thủ đô được cải thiện, nâng cao. Việc phối hợp công tác giữa khối dân vận Thành phố với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ Thành phố đến cơ sở trong việc triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong công tác dân vận, Thành ủy Hà Nội đã thể chế hóa và triển khai nhiều nhiệm vụ từ cấp Thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Ngay từ đầu nhiệm kỳ (2016-2020), Thành phố đã tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả các nhiệm kỳ trước đã thực hiện tốt trong công tác dân vận.
Bí thư Thành ủy khẳng định: Thành phố cũng xác định trách nhiệm trách nhiệm rất lớn với Trung ương, Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, đối ngoại…một năm Hà Nội có khoảng hơn 2.000 sự kiện, vì vậy, vấn đề ổn định an ninh chính trị – xã hội là vấn đề số 1, mà làm tốt công tác này chính là thể hiện lòng tin của người dân với hệ thống chính trị, với đảng, nhà nước.
Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, công tác dân vận sẽ khó hơn. Bởi trong quá trình hội nhập vào kinh tế thế giới, cuộc sống dân ngày được cải thiện, tri thức được nâng cao, dân chủ ngày mở rộng, luập pháp ngày càng được xây dựng nhiều hơn, hoàn thiện và đồng bộ, quyền người dân ngày càng được tôn trọng hơn… Vì vậy, nhiệm vụ của công tác dân vận ngày càng thách thức hơn, đặc biệt là với đội ngũ cán bộ trong công tác dân vận.
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Hà Nội đã đạt được và đề nghị Hà Nội cần tiếp tục quan tâm đến đời sống thiết thân, nguyện vọng chính đáng của người dân là trọng điểm, quan trọng số một. Đặc biệt ở Hà Nội, quá trình mở rộng địa giới nên sự phân hóa sẽ có, vì vậy cần dành quan tâm lớn hơn cho nhóm yếu thế, địa bàn vùng xa, nông thôn để giảm khoảng cách, tạo sự công bằng trong cuộc sống của người dân. Nếu giải quyết được vấn đề này, lòng tin của người dân Hà Nội với Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục được nâng lên. Trong quá trình thực hiện cần tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân về quan điểm chủ trương, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hệ thống chính trị Thành phố tiếp tục thúc đẩy làm tốt hơn để có kết quả thực chất trong công tác dân vận trong giải quyết các vấn đề của dân, việc này phải gắn với xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với việc nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Dân vận chính quyền phải là trọng điểm trong công tác dân vận bởi chính sách đúng mà cán bộ không đúng, thủ tục rườm rà sẽ làm mất lòng tin của dân.