Đó là Lễ hội Năm làng Mọc và Lễ Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai, 2 lễ hội truyền thống của Hà Nội vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cụ thể tại Quyết định số 1727/QĐ-BVHTTDL, công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Năm làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân; phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Đây là Lễ hội được tổ chức hằng năm vào dịp sau tết Nguyên đán, chính thức diễn ra từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Theo tục lệ, cứ đến kỳ Đại hội (5 năm tổ chức một lần, mỗi kỳ do một làng đứng ra đăng cai), 5 làng Mọc sẽ cùng nhau tổ chức lễ hội trọng thể với nhiều nghi thức, trò diễn hấp dẫn, nhằm rước các Thánh (Thành hoàng làng) du xuân, thưởng lãm cảnh quan 5 làng và cầu cho quốc thái dân an. Với tâm thức hướng về cội nguồn, Lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức trên tinh thần cộng đồng và gắn kết giữa các làng.
Tại Quyết định số 1728/QĐ-BVHTTDL, công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Lễ hội kết chạ Phú Mỹ – Kiều Mai là hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai làng Kiều Mai và Phú Mỹ. Các hội lệ của hai làng Phú Mỹ – Kiều Mai trong một năm hết sức phong phú, ngoài thông lệ xuân, thu nhị kỳ, còn có các lễ tiết gắn với ngày sinh, ngày hóa của các thần, ngày khánh hạ, cầu phúc, xuống đồng, cầu mùa, nhưng tiêu biểu và đáng chú ý nhất là Hội giao hiếu (kết chạ), được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng (làng Kiều Mai rước thánh về làng Phú Mỹ) và ngày 20 tháng Hai (làng Phú Mỹ rước thánh về làng Kiều Mai). Đây đồng thời cũng là nét đẹp văn hóa Thăng Long bên bờ sông Nhuệ. Các làng chung cánh đồng qua hội càng thêm thương yêu đùm bọc nuôi dưỡng tâm thức về tình nghĩa anh em thiêng liêng cao quý.
Tại Quyết định cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
VH