Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” do Australia khởi xướng từ năm 1993, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Đến nay, Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai các hoạt động, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế trên tinh thần thiết thực, hiệu quả, vừa thực hiện tốt mục tiêu vừa ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19.
Để thiết thực bảo vệ môi trường, các cấp, sở, ngành, cơ quan đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp và cộng đồng đã chung tay: Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn theo đúng quy định; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế người dân. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý chất thải và bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, cải thiện môi trường khu vực đô thị và nông thôn nhằm hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền các hoạt động phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường; thời đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 trên địa bàn Thành phố;
Hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với các siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm, hàng hoá, các chủ cơ sở kinh doanh sản xuất, dịch vụ, cửa hàng tạp hoá trong các hoạt động mua sắm, giao đồ ăn, thực phẩm, đồ uống trên địa bàn phải giảm thiểu, hạn chế sử dụng túi, bao bì nhựa và các sản phẩm nhựa khó phân huỷ sử dụng một lần (ống hút nhựa, hộp xốp, cốc nhựa…) để chứa, bao gói, sử dụng các sản phẩm, hàng hoá; tăng cường thay thế, sử dụng bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; duy trì thực hiện và mở rộng chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu lượng chất thải nhựa phát sinh ra môi trường;
Giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bằng các hình thức phù hợp đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn để hiểu rõ và thực hiện. Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương;
Các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình tăng thời lượng đưa tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, sản phẩm truyền thông đa phương tiện về các hoạt động bảo vệ môi trường để người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện; đặc biệt trú trọng tuyên truyền các nội dung trọng tâm theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2021 trên toàn quốc.
Đặc biệt, các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 22/07/2021 về việc thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí với mục tiêu đánh giá thực trạng, nghiên cứu ảnh hưởng của phát thải xe máy qua các niên hạn khác nhau, đặc biệt là xe máy quá niên hạn sử dụng đến môi trường nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức các nguồn và mức độ phát thải từ moto, xe gắn máy đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Đông Anh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả chương trình “Xây dựng trường học xanh – Vì một Hà Nội xanh”, trong đó hướng dẫn các trường lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường trong trường học, gồm: Rác thải, Không khí, Năng lượng, Nước và Không gian xanh để từ đó báo cáo UBND Thành phố ban hành Bộ Tiêu chí trường học xanh trong nhà trường;
Các quận, huyện, thị xã chấm dứt việc sử dụng bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND Thành phố đảm bảo không còn tình trạng đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn thành phố; Tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước….
Tăng cường phổ biến các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, qua đó, kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những tập thể, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, có giải pháp, sáng kiến thiết thực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Chiến dịch là dịp để tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Minh Đạt
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm