HNP – Kết quả cải cách thể chế của Hà Nội đang đi đúng hướng, được người dân ghi nhận, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả thực hiện cải cách thể chế trong quý I/2017 thể hiện […]
HNP – Kết quả cải cách thể chế của Hà Nội đang đi đúng hướng, được người dân ghi nhận, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố và hội nhập kinh tế quốc tế.
Kết quả thực hiện cải cách thể chế trong quý I/2017 thể hiện rất rõ quyết tâm của thành phố. Thành phố đã rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ… Cùng với đó kiểm tra, xử lý VBQPPL nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của các VBQPPL và các văn bản chứa QPPPL. Qua đó xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân để kịp thời có biện phán xử lý…
UBND thành phố đã ban hành quyết định công bố danh mục VBQPPL do HĐND, UBND thành phố ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, gồm 83 văn bản, trong đó 77 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 6 văn bản hết hiệu lực một phần.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố tiếp tục phổ biến sâu rộng Hiến pháp, Luật Thủ đô và văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô… Đồng thời, lấy ý kiến góp ý dự thảo cáo văn bản pháp luật quan trọng, liên quan thiết thực, trực tiếp đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; phổ biến thực tiễn chấp hành pháp luật, chính sách mới; kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của thành phố…, góp phần thực hiện chủ đề công tác của thành phố năm 2017 “Năm kỷ cương hành chính”.
Thành phố tiếp tục quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Thông qua các hình thức hội nghị tập huấn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; cung cấp các tài liệu, các văn bản luật; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng Internet; tuyên truyền cổ động trực quan; trợ giúp pháp lý hay tổ chức các chương trình đối thoại chính sách trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức công dân…
UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình thi hành pháp luật, trong đó, thành phố xác định ba lĩnh vực trọng tâm là: Cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; bảo vệ môi trường. Ban hành kế hoạch theo dõi thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố năm 2017, tập trung vào các nội dung chính như: Đánh giá về tình hình xây dựng, rà soát VBQPPL quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố; đánh giá về công tác tập huấn, tuyên truyền, phố biến Luật Thủ đô các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành pháp luật…
Bên cạnh đó, thành phố triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2017 – 2021 như: Hoàn thiện chính sách, VBQPPL, tổ chức thi hành pháp luật; công tác thi hành án; quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật; đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp. Ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Theo Cổng GTĐT TP