Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về công nghiệp văn hóa
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố Hà Nội ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong truyền đạt những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 09-NQ/TU |
Quán triệt những vấn đề cốt lõi của Nghị quyết 09-NQ/TU, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết này được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở đó, ngày 22/2/2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
“Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội |
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khái quát những nội dung chủ yếu của Kế hoạch số 217/KH-UBND |
Mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.
Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Cẩm nang để tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách
Thảo luận làm rõ những tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và một số đơn vị của thành phố Hà Nội cũng nêu các giải pháp, kiến nghị cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân phát biểu từ điểm cầu trụ sở huyện Gia Lâm |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, với những thay đổi về chính sách, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực.
Theo đồng chí Đỗ Đình Hồng, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là tìm cho Hà Nội một giá trị cốt lõi từ đó kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị cốt lõi đó.
Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội Nguyễn Trung Hiếu, để phát triển nền công nghiệp văn hoá Việt Nam, thứ nhất cần sự đồng bộ và chuyên nghiệp hoá. Thứ hai, sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học công nghệ tân tiến. Thứ ba là nhân sự – yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Thứ tư là cơ chế phù hợp cho các đơn vị nghệ thuật. Đặc biệt là cần xác nhận đúng đối tượng khán giả hướng đến, đối tượng cần được định hướng và tạo nguồn cho tương lai cũng như tìm hiểu rõ thị hiếu và những yêu cầu của việc hội nhập quốc tế.
Còn Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, Nghị quyết số 09 rất quan trọng, mang tính định hướng, khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục góp phần với cả nước thực hiện tốt một trong các khâu đột phá để phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho rằng, Nghị quyết là cơ sở lý luận và cẩm nang để tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội |
Nêu khái quát những nội dung chủ yếu của Kế hoạch số 217/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Kế hoạch nêu cụ thể 8 nội dung trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết hiệu quả.
Trong đó Kế hoạch yêu cầu tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; triển khai các sáng kiến của Hà Nội đã cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo…