Lễ hội

Hà Nội tăng cường các biện pháp quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn năm 2025

Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội lớn nhất cả nước với trên 1.600 lễ hội, trong đó lễ hội truyền thống chiếm số lượng lớn. Trải khắp các quận, huyện nội, ngoại thành, trẩy hội ngày xuân cũng chính là được thêm một lần đến với những địa danh, di tích, tìm hiểu về lịch sử vùng đất, những con người có công đã ghi dấu nơi đây.

Lễ hội đều được hình thành trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội chính là sự thể hiện lòng biết ơn và sự ngưỡng vọng, tôn vinh của con, cháu đối với công lao của các bậc tiền nhân. Do vậy, lễ hội được coi là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, giáo dục truyền thống và văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Lễ hội cũng chính là ngày hội văn hóa truyền thống, là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố vùng Thủ đô, vùng châu thổ sông Hồng, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Lễ hội cũng chính là ngày hội văn hóa truyền thống của các địa phương

Nhằm đảm bảo công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025, mang đến cho người dân và du khách một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

Thành phố xác định, việc tổ chức lễ hội là một sự kiện văn hóa của Thủ đô và của từng địa phương, đảm bảo việc tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự; tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Các lễ hội được tổ chức phải phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của địa phương, của dân tộc. Việc tổ chức cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng với những nội dung thiết thực, hấp dẫn, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong hoạt động văn hóa đối ngoại và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương, các hoạt động tại lễ hội phải có kịch bản chi tiết, cụ thể, nội dung chương trình phong phú, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, lễ hội phải được tổ chức trang nghiêm, trọng thể về phần lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ trong quá trình tổ chức lễ hội, xây dựng môi trường cảnh quan của di tích và lễ hội sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, tiết kiệm. Các lễ hội cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt quan tâm đầu tư kịch bản nghệ thuật trong phần hội để lễ hội trở thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển văn hóa, xã hội của địa phương.

Trong năm 2025, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội

Năm 2024, thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thực hiện Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch xuyên suốt, tổng thể cho hoạt động lễ hội chung; chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng kịch bản, kế hoạch, phương án khả thi cho hoạt động lễ hội. Đối với các lễ hội lớn, tập trung đông người tham gia như lễ hội chùa Hương, đền Sóc, gò Đống Đa, đền Phù Đổng, phủ Tây Hồ… các địa phương đều có văn bản chỉ đạo riêng, xây dựng kịch bản tổng thể với các phương án chi tiết thực hiện nghiêm biện pháp bảo vệ di tích; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…, yêu cầu các ban tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết, kịch bản tổ chức lễ hội cụ thể, thành lập tổ công tác tập trung tăng cường kiểm tra trong những ngày cao điểm lễ hội… theo yêu cầu đặt ra của Bộ tiêu chí.

Một số địa phương chỉ đạo lựa chọn xây dựng mô hình lễ hội thực hiện Bộ tiêu chí với mục tiêu xây dựng di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn; tuyên truyền vận động các ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện và ký cam kết thực hiện… Ban quản lý lễ hội, quản lý di tích thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân và du khách trân trọng văn hóa dân tộc, giá trị đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của cộng đồng có tín ngưỡng; hướng dẫn việc thực hiện biện pháp phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhằm tiếp tục phát huy có hiệu quả các kết quả đạt được trong năm 2024, trong mùa lễ hội 2025, Thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín, cờ bạc, dị đoan; vi phạm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ trong hoạt động tổ chức lễ hội. Ngoài ra, Hà Nội sẽ thông tin công khai các địa phương tổ chức tốt và chưa tốt, để xảy ra các vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025 trên ứng dụng iHanoi. Các địa phương phải công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội trên các hệ thống thông tin. Đường dây nóng cấp thành phố là 0965404557.

PV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *