Cùng với việc tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, chính quyền Hà Nội còn vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học, có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi.
Thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu thực hiện Chương trình này. Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016-2020, nhiều tập thể và cá nhân của Hà Nội đã được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được Tổng cục Thể dục thể thao biểu dương sau 2 năm triển khai Chương trình. Trong đó, một tập thể là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, một cá nhân là bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Cầu Giấy được khen thưởng.
Cùng với việc đáp ứng được về mặt cơ sở vật chất, trong những năm vừa qua, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội còn rất quan tâm đến các hoạt động thể thao nói chung và bơi, phòng chống đuối nước nói riêng. Vì thế, ngày 19/5 vừa qua, Hà Nội đã được lựa chọn tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019.
‘Hà Nội là Thủ đô của cả nước với diện tích rộng, số lượng trẻ lớn và có phong trào mạnh trên toàn quốc. Tôi hi vọng, thông qua những chương trình này, tình trạng đuối nước sẽ có những chuyển biến tích cực’, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết khi chọn Hà Nội để tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019.
Để có được hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng phong trào dạy và tập luyện bơi phát triển như trên, trong những năm qua, Hà Nội đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư xây lắp bể bơi cho trẻ em.
Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao trên địa bàn xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư vào thể thao trường học. Giải pháp như: Giao việc tự chủ, tự tìm nguồn lực đầu tư cho nhà trường; khuyến khích hội phụ huynh nhà trường tham gia góp vốn và quản lý cơ sở vật chất; Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân có năng lực đầu tư hoặc góp vốn; Tạo điều kiện kinh doanh, khai thác dịch vụ cho doanh nghiệp góp vốn; Tạo quỹ đất đầu tư cho thể thao học đường và tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn xây dựng…
Chính nhờ cách làm này, từ 98 bể bơi trong trường học năm 2016, đến năm 2017 đã có 133 bể. Năm 2018 số bể bơi đã tăng lên 250 kịp thời phục vụ cho 240.567 học sinh tham gia chương trình phổ cập bơi, giúp tỷ lệ biết bơi đạt hơn 94%.
Điển hình cho những mô hình hay ở Hà Nội là huyện Thanh Trì. Từ năm 2011, UBND huyện Thanh Trì đã cấp kinh phí và phê duyệt đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học và THCS, tính đến nay đã có trên 15 bể bơi được xây trong các trường tiểu học, THCS và hai bể bơi thông minh, một bể đạt chuẩn về kích thước tại Trung tâm Văn hóa, thông tin và Thể thao huyện. Chính vì vậy, công tác dạy bơi cho học sinh tiểu học và THCS trong toàn huyện Thanh Trì cơ bản đã được phổ cập.
Tại nhiều quận, huyện, đề án dạy bơi cho học sinh, xây bể bơi mini trong nhà trường đã được phê duyệt như tại quận Cầu Giấy có ba bể, quận Nam Từ Liêm có ba bể, huyện Sóc Sơn có hai bể… Cùng với mô hình bể bơi mini, nhiều quận, huyện đã triển khai việc lắp đặt bể bơi thông minh trong các nhà trường, như: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đông Anh, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông, các huyện, như: Quốc Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa đều có từ 4- 6 bể…
Đây là mô hình được đánh giá mang tính khả thi cao đối với khu đô thị có quỹ đất dành cho thể thao hạn chế. Bể bơi thông minh có thể được lắp đặt tại nhà thể chất hoặc sân trường, sau khi khóa học bơi hè kết thúc có thể tháo dỡ, bảo quản và trả lại hiện trạng cho nhà trường. Với mô hình này, đã tạo tiền đề khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi trong giờ học chính khóa.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân và đặc biệt là trẻ em học bơi phòng, chống đuối nước, tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2019, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các sở ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội từ Thành phố đến cơ sở; UBND các quận huyện cùng toàn thể tầng lớp nhân dân chủ động, ưu tiên thực hiện một số nội dung: Tổ chức phát động phong trào trẻ em học bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước tại tất cả các loại hình bể bơi hiện có trên địa bàn trong dịp hè năm 2019 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên ở cơ sở để triển khai Chương trình đạt kết quả cao; Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, trường học có kế hoạch cụ thể triển khai Chương trình; thường xuyên duy trì tổ chức dạy bơi, phổ biến, tuyên truyền về kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Bên cạnh đó, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học, có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước trên địa bàn, rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng, tại các khu vực hồ, ao, sông, ngòi,… cũng như tổ chức đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ.
“Theo Quyết định 234/QĐ-TTg ngày 5/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, năm 2020 giảm tối thiểu 6% số lượng trẻ em đuối nước so với năm 2015 và tăng 40% số lượng trẻ em nắm được kỹ năng bơi an toàn, phòng chống đuối nước, đây là tiêu chí cơ bản nhằm đánh giá kết quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em. Giai đoạn 2019-2020, chương trình tiếp tục được triển khai với mục tiêu đến năm 2020 có sự vào cuộc của 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phấn đấu 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước, bảo đảm 100% các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật”.
Minh Anh
Theo MaskOnline