Hà Nội đẹp

Hà Nội “thay da, đổi thịt” sau 67 năm giải phóng

(LĐTĐ) Mỗi dịp tháng 10 lịch sử, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc của những ngày tháng hào hùng chào đón đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954). Từ mốc son ấy, trải qua 67 năm với 7 lần thay đổi quy hoạch, Thủ đô Hà Nội nay đã có một diện mạo mới, với nhiều mức tiêu chuẩn mới, văn minh, hiện đại hơn.

Diện mạo đô thị mang dáng vẻ hiện đại

Chỉ vài năm trước, khó có thể hình dung diện mạo đô thị của Thủ đô lại có sự thay đổi nhanh đến như vậy. Giờ đây, tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch được đẩy nhanh, tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch đạt tỷ lệ cao (94,84%), chất lượng quy hoạch được nâng cao, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, những bước tiến đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị… giúp không gian đô thị trung tâm Hà Nội được tái cấu trúc và đang định hình rõ nét hơn.

Nhiều người nhìn nhận, sự đổi khác đến từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. Tiếp đó là sau 5 năm triển khai Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020” và bây giờ là Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Hà Nội
Đô thị Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Giờ đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã, đang được xây dựng đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hằng năm, đến nay đạt khoảng 10,3% (năm 2015 đạt 8,65%). Giao thông công cộng ngày càng được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mạng lưới giao thông đô thị đang được đầu tư hoàn thiện với hệ thống các đường vành đai, các tuyến hướng tâm và các trục chính đô thị.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung và các công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành như: Đường Vành đai 2 và cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển – Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng (nút giao Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt; An Dương – đường Thanh Niên…) ,… đã đem đến bộ mặt đô thị Hà Nội đổi mới, hiện đại.

Quá trình đô thị hóa của Hà Nội còn lan tỏa mạnh theo chiều sâu. Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, một trong những đột phá làm thay đổi bộ mặt đô thị Thủ đô, phải kể đến việc khớp nối quy hoạch giao thông của Hà Nội (cũ) với quy hoạch giao thông của Thủ đô sau sáp nhập và các hoạt động từ quy hoạch đến đầu tư kết cấu giao thông Thủ đô với các vùng lân cận.

Hà Nội
Quá trình đô thị hóa của Hà Nội còn lan tỏa mạnh theo chiều sâu.

Giờ đây, những vùng đất ven đô vốn một thời hoang vắng xưa kia đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng trăm các dự án quy hoạch khu đô thị mới, khu nhà ở đã, đang được triển khai như: An Khánh, Văn Quán, Thiên đường Bảo Sơn, Việt Hưng, Mỹ Đình,… Ngày càng nhiều trung tâm thương mại, mua sắm: Vincom (quận Hai Bà Trưng), Aeon Mall (quận Long Biên, quận Hà Đông); Lotte (quận Ba Đình),… hình thành, trở thành các điểm đến thương mại – văn hóa – xã hội, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển của Hà Nội thời gian qua, những yếu tố dân sinh cũng ngày càng được chú trọng hơn. Ví dụ, Hà Nội đạt được tỉ lệ bình quân về nhà ở, học sinh đi học rất lớn. Hiện diện tích bình quân về đất ở trên đầu người ở Hà Nội khoảng 27m2/người. Nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, khu ký túc cho sinh viên đã được quan tâm. Đều ở mức rất cao so với chỉ tiêu của cả nước. Có thể thấy, Hà Nội rất quan tâm đến đời sống nhân dân.

Thành phố cũng đã quan tâm, chú trọng đến vấn đề ô nhiễm môi trường hơn. Nhiều vấn đề về vỉa hè, úng ngập, cảnh quan đô thị cũng đã dần được giải quyết, tạo ra cảnh quan xung quanh. Sự đột phá trong diện mạo được thể hiện cả về không gian kiến trúc, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đặc biệt tạo ra diện mạo mới xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại.

Bề thế hơn, bền vững hơn

Để giải quyết các vấn đề quản lý đô thị, tạo lập môi trường sống tốt cho người dân, cùng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”.

Định hướng phát triển không gian đô thị của Hà Nội theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia. Trong đó, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, cách thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên của thành phố.

Hà Nội
Hà Nội có nhiều công trình được khen thưởng về kiến trúc xanh ví dụ như khu đô thị thông minh trên đường Võ Nguyên Giáp, khu đô thị xanh, khu đô thị đáng sống…

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, mô hình chùm đô thị đã được áp dụng thành công ở nhiều nước, góp phần phát triển kinh tế, quản lý dân số và bảo tồn di sản. Theo đó, quản lý đô thị tốt là yếu tố quan trọng, là yêu cầu cấp bách, là đột phá với Hà Nội để bảo đảm phát triển bền vững. Bên cạnh những việc phát triển khu đô thị thì Hà Nội cũng đã có những khu đô thị ngang tầm với một số nước hiện đại trên thế giới. Hà Nội đã tạo nên những khu vực mà được người dân cho rằng là đáng sống, thân thiện. Hà Nội có nhiều công trình được khen thưởng về kiến trúc xanh ví dụ như khu đô thị thông minh trên đường Võ Nguyên Giáp, khu đô thị xanh, khu đô thị đáng sống…

Để thực hiện định hướng này, UBND thành phố đã triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành; quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và môi trường, hạ tầng kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì trước đó, Thành phố cũng phải giải quyết nhiều vấn đề còn tồn đọng như giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ; việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, các trường đại học còn chậm; quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; giao thông chưa đạt được như kỳ vọng; cấu trúc phương tiện giao thông công cộng đang còn thấp mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều ưu đãi ở một số tuyến đường công cộng…

Trên cơ sở này, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong thời gian tới, để phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện định hướng xây dựng Thành phố “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” vẫn cần xem xét kết cấu hạ tầng là một bước đột phá, phải xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Phát triển hiện đại nhưng cần toàn diện cả đô thị và nông thôn, để nâng tầm Thủ đô phát triển thành đô thị đặc biệt.

Tuấn Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *