Là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân sinh sống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân, chăm sóc người có công, động viên người có công vươn lên trong […]
Chăm lo toàn diện người có công
Hiện nay, Hà Nội là địa phương có số lượng người có công lớn nhất cả nước với gần 800.000 người, trong đó gần 86.000 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và gần 700.000 là người hoạt động kháng chiến, cựu Thanh niên xung phong… hưởng trợ cấp ưu đãi 1 lần, bảo hiểm y tế, mai táng phí.
Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn nỗ lực, đồng lòng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách; đồng thời quan tâm chăm lo toàn diện cho người có công và thân nhân.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương thăm tặng quà người có công tại huyện Ứng Hòa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. |
Những năm gần đây, Thành phố đã thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho hàng trăm ngàn lượt người có công. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị Quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 về một số chính sách đặc thù của Thành phố đối với người có công: Quy định mức hỗ trợ hàng năm đối với các ban liên lạc tù chính trị trên địa bàn Thành phố; quy định chính sách đặc thù của Thành phố về chế độ điều dưỡng đối người có công với cách mạng từ 80 tuổi trở lên, mức tặng quà của Thành phố tới các đối tượng nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Quốc khánh 2/9…
Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước có Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, hiện đang nuôi dưỡng, điều trị cho hơn 100 nạn nhân da cam/dioxin là con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học…
Cùng với đó, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ như: 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ; 100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; hỗ trợ xây mới và sữa chữa nhà ở đối với hàng chục ngàn hộ gia đình người có công với cách mạng. Hiện thành phố Hà Nội không còn hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và phấn đấu không để hộ gia đình người có công tái nghèo theo tiêu chí mới.
Năm 2022, trong 6 tháng đầu năm, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được 26,73/23,2 tỷ đồng đạt 115,2% kế hoạch chung, dự kiến đến hết tháng 7/2022, các quận huyện, thị xã sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Thành phố giao.
Thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 230/215 hộ gia đình người có công, đạt 107% kế hoạch năm với kinh phí 7,49 tỷ đồng; tặng 2.403/3.021 sổ tiết kiệm tình nghĩa, đạt 79,5% kế hoạch năm với kinh phí 5,15 tỷ đồng, trung bình 2,1 triệu đồng/sổ (riêng Đông Anh và Quốc Oai, mức sổ tiết kiệm được trao tặng cho người có công là 10 triệu đồng/sổ); tu sửa, nâng cấp 65/75 công trình ghi công liệt sĩ, đạt 86,7% kế hoạch năm với kinh phí 59,17 tỷ đồng; lập danh sách và đưa 5.091/9.051 người có công điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm Điều dưỡng người có công Thành phố, đạt 58,7% kế hoạch năm.
Cùng với việc nâng cao mức sống, vấn đề khác mà người có công và thân nhân đặc biệt quan tâm là giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, sửa thông tin trên bia mộ liệt sĩ ghi “liệt sĩ vô danh”, “liệt sĩ chưa biết tên” cũng đã được các cơ quan chức năng của Thành phố quan tâm triển khai. Năm 2022, theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Hoàng Thành Thái, 6 tháng đầu năm, Sở và các Phòng LĐTBXH quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và giải quyết 10.060 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí khoảng 41,2 tỷ đồng.
Đến nay, Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho trên 81.748 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 910 tỷ đồng; chi điều dưỡng người có công 35 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 60 tỷ đồng. Sở đã Ban hành 169 văn bản gửi Bộ LĐTBXH; Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn Thành phố.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đền ơn, đáp nghĩa
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” được Thành phố chú trọng thường xuyên, song vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm, các hoạt động này càng được đẩy mạnh.
Năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2022; Thư kêu gọi xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa thành phố Hà Nội năm 2022; Kế hoạch thực hiện chính sách người có công, điều dưỡng người có công năm 2022; Kế hoạch tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương người có công tiêu biểu, khen thưởng các tập thể cá nhân thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công và làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa…
Nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Sở đã tổ chức Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đi viếng và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia và các nghĩa trang có phần mộ liệt sĩ Hà Nội thuộc Hà Giang, Điện Biên, Tây Ninh, Côn Đảo, Phú Quốc và Nghệ An để tri ân và tưởng nhớ đến công lao của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ ngày 8/7 đến 12/7/2022, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố cũng đã tổ chức Đoàn đại biểu Thành phố công tác và làm việc với 2 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình và dâng hương, thăm các nghĩa trang liệt sĩ, di tích cách mạng tại một số tỉnh miền Trung.
Tại đây, đoàn công tác Thành phố đã trao tặng hỗ trợ 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, mỗi tỉnh 3 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương; đồng thời tặng quà cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và 10 người có công, gia đình chính sách của 2 tỉnh.
Các quận huyện, thị xã cũng đã xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ trên địa bàn; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Các địa phương cũng tích cực kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng cuộc vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động và Thư kêu gọi xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố Hà Nội năm 2022; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công, bảo đảm đúng quy định.
Thời gian tới, Sở LĐTBXH Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành phố thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân người có công. Với mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống người có công của Thủ đô, hiện Sở đã báo cáo UBND Thành phố về việc tham mưu xây dựng chính sách nâng cao mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng thụ hưởng để trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua vào kỳ họp cuối năm.
“Nhìn chung, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng luôn được Thành phố quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt. Đời sống của người có công không ngừng được nâng lên. Qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân Thủ đô đối với người có công với cách mạng và thân nhân”- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Hoàng Thành Thái khẳng định. /.