Tin ngành

Hà Nội thực hiện tốt công tác phục vụ nhân dân đón Tết Kỷ Hợi 2019 an toàn và lành mạnh

Thông tin về một số kết quả phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là chủ đề chính của cuộc họp giao ban báo chí tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 19/2/2019.

Chánh VP UBND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 19/2/2019

An ninh trật tự được đảm bảo, thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, gia đình chính sách

Theo Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên: Hà Nội đã làm tốt công tác phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết Kỷ Hợi vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.

Trước và sau Tết Nguyên đán, công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện hiệu quả. Lực lượng chức năng đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các địa bàn, mục tiêu trọng điểm, các lễ hội đầu xuân, điểm vui chơi tập trung đông người; hoạt động thăm, chúc Tết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, bắn pháo hoa… Phạm pháp hình sự được kiềm chế, không để xảy ra trọng án.

Đặc biệt, Thành phố đã thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình có công, người nghèo, cán bộ hưu trí, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Tính đến ngày 1/2/2019 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Mậu Tuất), toàn thành phố đã hoàn thành việc thăm hỏi và tặng 1.371.199 suất quà Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo với tổng số tiền trên 541 tỷ đồng. Toàn thành phố không có người dân nào là không có tết.
Tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn Hà Nội trước và sau Tết nguyên đán ổn định, không xảy ra khan hiếm, thiếu hàng cục bộ, tăng giá đột biến. Các mặt hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết. Các ngành chức năng của thành phố cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, toàn thành phố không xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên đán cũng được Hà Nội thực hiện một cách hiêu quả. Trước, trong và sau Tết, các lực lượng chức năng của thành phố đã triển khai hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông và vận tải hành khách; không để xảy ra hiện tượng tăng giá vé, xe chạy vòng vo đón khách và không có hành khách nào phải ở lại bến do không có vé xe. Tính chung trong kỳ nghỉ Tết, tổng số lượng xe tại các bến xe trên địa bàn thành phố đạt trên 23.000 lượt và tổng số lượng hành khách gần 345.000 lượt. Vận tải hành khách bằng xe buýt trong dịp Tết cũng tăng 1,06% so với cùng kỳ năm 2018 với trên 96.000 lượt xe và trên 7,69 triệu lượt hành khách (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018).

Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố cũng giảm ở cả ba tiêu chí: số vụ giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018. Các tuyến đường giao thông hướng vào tâm thành phố cơ bản chỉ có vài điểm ùn tắc cục bộ trong thời gian ngắn và không xảy ra hiện tượng ùn tắc kéo dài.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều 19/2/2019 

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 514.866 lượt (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 162.676 lượt (tăng 15%); khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 114.199 lượt (tăng 12%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 2.039 tỷ đồng (tăng 33%).
Cũng theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên: Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm sau Tết. Trong đó, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bố trí các lực lượng ứng trực, tuần tra lưu động tại các tuyến đường trọng điểm, huyết mạch, khu vui chơi và lễ hội đầu Xuân; tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, tổ chức thanh, kiểm tra việc sắp xếp hàng quán, dịch vụ trông giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm tình trạng ép giá, bắt chẹt, chèo kéo khách du lịch.

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ. Đặc biệt, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công, sử dụng giờ làm việc để thăm hỏi, chúc Tết, tham gia lễ hội…

Các hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh

Theo Chánh Văn phong UBND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Hà Nội đã tổ chức 5 chương trình nghệ thuật lớn trong đêm giao thừa 30 Tết. Phối hợp với Đài TH Việt Nam tổ chức chương trình “Tết nghĩa là hy vọng”. Ngoài ra còn có nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, triển lãm ảnh, chiếu phim…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cũng thông tin thêm: các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao được Sở chuẩn bị kỹ lưỡng và hiệu quả. Ngoài các sự kiện đã diễn ra trong dịp Tết như: Bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức hội chữ…mới đây nhất Sở cũng đã tổ chức thành công hai sự kiện thể thao. Đó là Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2019 diễn ra trong hai ngày 16 và 17/2 tại Hồ Tây và Giải vật truyền thống tai huyện Phúc Thọ diễn ra trong 3 ngày thu hút gần 3000 lượt khán giả đến xem.

Hình ảnh tại Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2019

Trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau thời gian diễn ra lễ hội gắn với tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Tính đến thời điểm ngày 19/2 (Rằm tháng Giêng Kỷ Hợi 2019), toàn thành phố đã diễn ra khoảng trên 300 lễ hội ở 30 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, có một số lễ hội lớn như: Chùa Hương, Gò Đống Đa, Đền Sóc, Cổ Loa… đã có sự phối hợp vào cuộc khẩn trương, đồng bộ nên các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra về việc tổ chức và quản lý lễ hội được tập trung triển khai thực hiện.
Trong dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra và đã triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội như: Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), Chùa Hà (quận Cầu Giấy), Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Đền Sóc (Sóc Sơn)…
Đặc biệt, thông qua số điện thoại đường dây nóng 0869.295538, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý nhiều nội dung phản ánh tại một số địa điểm như: Tại Bia Bà (quận Hà Đông), chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ) về việc thu vé xe cao hơn quy định; Chùa Hương có hiện tượng ép giá khách đi đò; Chùa Đậu (huyện Thường Tín) việc hàng quán lấn chiếm gây mất mỹ quan, ảnh hưởng giao thông… Đối với tất cả các phản ánh trên đã được Sở chủ động trao đổi với địa phương kịp thời giải quyết.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *