Sự kiện

Hà Nội tổ chức thắp nến tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố

Tối 26/7/2020, Thành ủy – HĐND – UBND – Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức lễ thắp nến tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng, liệt sĩ, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020).

Lãnh đạo Thành phố và nhân dân dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại buổi lễ – Ảnh: HNM

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng; đại diện các sở, ban, ngành cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thắp hương tại mộ phần Bà mẹ Việt Nam anh hùng – Ảnh: Cổng GTĐT TP

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Thành phố, các đại biểu cùng đông đảo người dân đã thành kính dâng hoa, dâng hương, thắp nến tri ân và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương số lượng người có công lớn với gần 80 vạn người (chiếm gần 10% toàn quốc), trong đó, có trên 6.500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay còn sống 138 mẹ), trên 45 ngàn thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 80 ngàn liệt sĩ, trên 20 ngàn người hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 500 ngàn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thắp hương tại mộ phần các liệt sĩ tại nghĩa trang – Ảnh: Cổng GTĐT TP

Nhận thức được ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác thương binh – liệt sĩ, chăm lo đời sống với người có công với cách mạng là trách nhiệm, song cũng là tình cảm và vinh dự lớn lao của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế – xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, thời gian vừa qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền từ cấp thành phố đến Quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong việc tổ chức thực hiện tốt hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Tính từ thời điểm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, toàn Thành phố đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 400 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ gần 15 nghìn gia đình người có công xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng gần 70 nghìn sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” cho các đối tượng chính sách; đưa hơn 160 nghìn lượt người đi điều dưỡng luân phiên… Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, Thành phố đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa gần 7.200 nhà ở đối với người có công theo Quyết định số 22/2013-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 1 nghìn tỷ đồng (bao gồm ngân sách từ Trung ương, Thành phố, địa phương và gia đình dòng họ). Hàng năm, Hà Nội trích ngân sách khoảng gần 300 tỷ đồng tặng quà cho người có công vào dịp 27/7, Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tham dự buổi lễ – Ảnh: Cổng GTĐT TP

Theo số liệu đến ngày 17/7/2020, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Kế hoạch về Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 22 tỷ đồng; Tặng hơn 3.600 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 4 tỷ đồng; Tu sửa nâng cấp 70 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 44 tỷ đồng; Trích ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa tu sửa nâng cấp trên 300 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí gần 12 tỷ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, đơn vị bệnh viện trên địa bàn tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 15 nghìn lượt người với kinh phí cấp thuốc là gần 2,4 tỷ đồng. Đến năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo; các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Cũng trong bài phát biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu rõ: “Chương trình Lễ thắp nến tri ân là lời nhắc nhở chúng ta về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm phải sống, học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước”.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại buổi lễ – Ảnh: Cổng GTĐT TP

Thay mặt cho tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội xin hứa nguyện xứng đáng với sự hi sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xây dựng Thủ đô, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Cũng tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo thành phố đã tặng quà, bày tỏ lòng biết ơn với đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng tham gia chương trình.

Buổi lễ kết thúc với hàng nghìn ngọn nến tri ân đã được thắp sáng trên từng phần mộ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng, liệt sĩ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hà Nội.

PV

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *