Chiều 8/3/2024, UBND huyện Hoài Đức tổ chức gặp mặt tôn vinh các Nghệ nhân của huyện được thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023.
Tham dự buổi gặp mặt có: Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận; Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên; Lãnh đạo các xã Sơn Đồng, Vân Côn, Minh Khai cùng 9 đại biểu là những nghệ nhân tiêu biểu của huyện được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023.
Năm 2023, thành phố Hà Nội có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trong đó huyện Hoài Đức có 9 Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đợt này.
Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo huyện đã bày tỏ tình cảm trân trọng, tin tưởng của lãnh đạo huyện dành cho các Nghệ nhân. Đáp lại tình cảm đó, các Nghệ nhân đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, rào cản nhằm thúc đẩy kinh tế các làng nghề phát triển. Đồng thời các Nghệ nhân cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác truyền nghề, những cách làm hay trong chế tạo, sáng tác, sản xuất các sản phẩm, tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường; nhất là trong việc tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa có giá trị kinh tế cao, vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Cũng tại buổi gặp mặt, các Nghệ nhân đề nghị huyện cần có các cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế của các làng nghề; có cơ chế, thống nhất trong việc phong danh hiệu làng nghề, nghệ nhân; đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm…
Tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Trung Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện đã giải đáp một số kiến nghị và khẳng định: Huyện sẵn sàng là nơi kết nối doanh nghiệp với làng nghề và kết nối về vốn vay ưu đãi. Về mở rộng mặt bằng sản xuất, UBND huyện đang kiểm tra lại toàn bộ quy hoạch về làng nghề, trên cơ sở đó quy hoạch mở rộng làng nghề. Về tiêu thụ sản phẩm, huyện sẵn sàng kết nối để các nghệ nhân tham gia các hội chợ quốc tế xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tốt hơn… Huyện cũng đang triển khai một số dự án, chương trình hỗ trợ kết hợp công nghệ thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề theo hướng sản xuất các sản phẩm thị trường cần, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời lưu ý các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cần chủ động xây dựng chiến lược kết nối các vùng nguyên liệu, chú trọng đăng ký bảo hộ sản phẩm, nâng cao giá trị thủ công mỹ nghệ, sáng tạo ngay từ ý tưởng thiết kế.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội cần chú trọng tới việc phát triển nghề và làng nghề gắn kết với phát triển du lịch, nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm phục vụ ngành du lịch, các tua, tuyến du lịch làng nghề. Đẩy mạnh triển khai mỗi làng nghề một sản phẩm theo hướng khuyến khích các sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu của Thủ đô. Quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để các Nghệ nhân có cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo… Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, Hội nghệ nhân, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện cần phát huy tốt hơn vai trò đoàn kết, tập hợp, thu hút hội viên; xây dựng các gương điển hình trong lao động, sản xuất và sáng tạo; phát động và lan tỏa các phong trào thi đua hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tăng cường áp dụng các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề…, tạo điều kiện thuận lợi cho các Nghệ nhân phát huy tài năng của mình, góp phần để các làng nghề phát triển.
Cao Tùng