Ẩm thực

Hoài niệm mứt Tết

Đón Xuân Tân Sửu 2021, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành cuốn sách “Hoài niệm mứt Tết” của hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi.

Cuốn sách “Hoài niệm mứt Tết” chứa đựng nhiều điều thú vị về món mứt truyền thống của Việt Nam.

“Hoài niệm mứt Tết” – cuốn sách giới thiệu đến quý độc giả cách thực hiện những món mứt truyền thống cho ngày Tết của gia đình Việt Nam.

Mứt gừng, mứt bí, mứt hạt sen, mứt kim quất, mứt mãng cầu… những thứ mứt ngon lành ấy trong cuốn sách này được hướng dẫn một cách chỉn chu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu sơ chế, thực hiện; và quan trọng hơn cả là những bí quyết được tác giả “mách nhỏ” với bạn đọc để có thành phẩm đẹp mắt, ngon miệng. Đồng thời bạn đọc có thể cùng tác giả “lắng nghe” những “hoài niệm” của mình về hương vị mứt trong Tết ngày xưa.

Tác giả Nguyễn Thị Phiên chia sẻ: “Tôi nhớ những ngày cận Tết ở Huế. Trời vẫn còn lạnh, mưa phùn không ngớt. Mạ đã chuẩn bị cho chúng tôi những hũ mứt gừng, mứt vỏ cam sành, vừa giữ ấm vừa làm món tráng miệng tốt cho tiêu hóa. Lúc ấy, còn một hơi ấm khác luôn tỏa ra từ gian bếp, hơi ấm của những chảo mứt đã bắt đầu đỏ lửa từ đầu tháng Chạp cho kịp Tết”.

“Tôi vẫn nhớ cái mùi từ những chảo “sên” mứt ấy, có lúc là mùi cay nồng của gừng, có lúc là mùi thơm ngát của trái thơm, có lúc thoang thoảng mùi thanh mát của kim quất, có lúc lại là mùi khói từ những bếp than. Mỗi khi nhớ về những kí ức ấy, tôi bất giác lại cay cay nơi sống mũi, dẫu chẳng có bếp than nào đang nổi lửa lúc này.”

Còn tác giả Đỗ Thị Phương Nhi cho biết: “Tuy đã phụ làm nhiều mẻ mứt nhưng phụ việc vẫn là phụ việc. Khi chính thức làm mới biết, để làm được một mẻ mứt rất công phu, từ khâu chọn mua nguyên liệu sao cho ngon, đẹp, đến khâu sơ chế phải đúng thời gian, đúng quy cách và cuối cùng khâu khó nhất là hoàn thành một mẻ mứt. Biết bao kỹ thuật ẩn chứa trong đó mà chỉ khi tự tay làm mới hiểu được”.

“Và điều gì đến cũng sẽ đến: khâu cuối cùng tôi đã không biết làm sao để cho ra thành phẩm mứt được áo một lớp đường trắng như bột, khô ráo giống như bà ngoại tôi làm. Chảo mứt của tôi cứ mãi ướt, tôi lấy tro vùi lại cho lửa chỉ âm ỉ và “xin quyền trợ giúp từ bà ngoại”. Khi thấy mẻ mứt của tôi, bà cứ cười tủm tỉm rồi thủng thẳng trả lời: “đến công đoạn ni cháu phải bưng chảo mứt lên xóc đều, thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ nhẹ cho đến khi thấy đường thành bột trắng mới dừng, đó là đối với các loại mứt khoai, mứt bí, mứt củ sen. Còn đối với mứt gừng thì công phu hơn: phải dùng tay gỡ các lát gừng ra cho thẳng, đẹp rồi cho ra mẹt, tuyệt đối không được để các lát mứt gừng bị cong queo, như vậy mới thể hiện được sự khéo léo của mình!”

Tác giả Nguyễn Thị Phiên, sinh năm 1945, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, là chuyên gia các món ăn cung đình và món ăn truyền thống Huế. Bà từng là bếp trưởng nhiều nhà hàng, giảng dạy nấu món ăn truyền thống, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cấp Giấy chứng nhận danh hiệu “Bếp Vàng”.

Tác giả Đỗ Thị Phương Nhi sinh năm 1967, hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh, là giảng viên lâu năm về ẩm thực. Hai tác giả này từng xuất bản chung cuốn sách “Món ngon xứ Huế”.

PN (t/h)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *