Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, trong nhiệm kỳ, Ban chỉ đạo Chương trình 03-CTr/QU về “Phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh theo hướng phát triển toàn diện”, các cấp ủy đảng, các ban, ngành, đoàn thể đã nghiêm túc triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu, trong đó, việc xây dựng đời sống văn hóa và bảo tồn, tôn tạo giá trị các di sản được chú trọng.
Tuyên truyền sâu rộng về xây dựng đời sống văn hóa
Xác định công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng và phải đi trước một bước, Quận Hoàn Kiếm đã thường xuyên đổi mới, thiết thực việc thông tin với nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử; phát các tờ rơi, tờ gấp tới các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt của MTTQ và các đoàn thể nhân dân, tổ dân phố, Hội nghị đại biểu nhân dân; trang trí cổ động các sự kiện lớn diễn ra trong năm; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, thi tìm hiểu, liên hoan văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao. Nhiều đợt tuyên truyền được đầu tư với quy mô lớn, tại các khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, các tuyến phố chính, khu vực phố cổ Hà Nội, trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền được trang trí rực rỡ với hàng nghìn panô, banner, cờ chuối, đèn chiếu sáng…
Năm 2018, quận đã nâng cấp cổng thông tin điện tử quận, xây dựng trang thông tin điện tử 18 phường, các trường học và đặc biệt là xây dựng trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ phục vụ công tác quản lý, phát triển du lịch trên địa bàn quận.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH, quận đã chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các CVĐ xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch, các nội dung gắn với thực hiện Chương trình 03-CTr/QU của Quận ủy. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hoạt động được duy trì có kết quả như: Tổ tự quản giữ gìn TTĐT, VSMT ở địa bàn dân cư; phong trào tổng vệ sinh chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy hàng tuần.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội trên địa bàn quận có nhiều chuyển biến tích cực, được triển khai đồng bộ và thống nhất theo đúng các quy định, không để xảy ra mê tín dị đoan, mất an ninh trật tự, VSMT.
Ngoài ra, Quận ủy Hoàn Kiếm đã chủ động, sáng tạo tổ chức Hội thi tuyên truyền “Quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, người lao động trong các cơ quan” trên địa bàn quận Hoàn Kiếm gắn với thực hiện 5 tiêu chí văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, CVĐ như: phong trào “Ông bà mẫu mực- con cháu hiến thảo” của MTTQ, phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” của Hội Phụ nữ, phong trào “Xây dựng nét đẹp của Thanh thiếu nhi quận Hoàn Kiếm”, phong trào “Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Đoàn TNCSHCM và Phòng Giáo dục – Đào tạo, triển khai dạy đại trà bộ tài liệu về “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô”…
Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa
Hoàn Kiếm là quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến với trên 190 di tích trong đó, nhiều di tích đã xếp hạng và gắn biển, tiêu biểu là di tích Quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và di tích Quốc gia khu phố cổ Hà Nội. Đây là thế mạnh để phát triển kinh tế của quận theo hướng thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong giai đoạn 2016-2019, đã GPMB được 14 hộ dân và 01 tổ chức, 77 nhân khẩu ở 04 di tích; tu bổ, tôn tạo tổng thể, hoàn chỉnh được 06 di tích với tổng kinh phí là 108,565 tỷ đồng; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 08 di tích.
Cùng với việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, công tác phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên theo Đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” như: Lễ hội Đền Bạch Mã, lễ hội Đình Yên Thái, lễ hội Đình Kim Ngân, lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Trung thu Phố cổ, lễ hội truyền thống Liên khu I anh hùng; tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, giới thiệu nghề thủ công truyền thống gắn phố nghề với làng nghề tại các điểm di tích trên địa bàn quận; tổ chức giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động như biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, các chương trình hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm phát triển du lịch, nâng giá trị và hình ảnh khu Phố cổ tới du khách trong nước và quốc tế, như: đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào, đình Kim Ngân – 42, 44 Hàng Bạc, Ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ – 28 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ – 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm – 2 Lê Thái Tổ.
Đặc biệt, để tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu các hình ảnh, hoạt động về các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch; giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và những đặc trưng của quận Hoàn Kiếm, quận đã triển khai Đề án xây dựng hệ thống cổng thông tin 360 độ phục vụ công tác quản lý, phát triển du lịch quận Hoàn Kiếm giai đoạn 2016 – 2020. Cơ sở dữ liệu này được ứng dụng công nghệ hiện đại, tích hợp và cập nhật trên các trang mạng, trang thông tin để giúp du khách và những cá nhân, tổ chức quan tâm có thể tiếp cận và khai thác sử dụng có hiệu quả. Điểm nhấn là quận đã triển khai nhiều mô hình mới phát huy tiềm năng, thế mạnh của quận như triển khai thí điểm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng phố Sách Hà Nội tại phố 19/12, không gian bích họa phố Phùng Hưng…
Trong thời gian tới, Quận ủy Hoàn Kiếm sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình tới các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội; chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt quan tâm giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư để đẩy nhanh công tác GPMB di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích, trường học, đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích, cải tạo sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các trường học.
Hoàng Nam
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm