Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội trước nay vẫn là điểm hút khách du lịch thì hiện tại đang chịu tổn thất nặng nề khi phải trải qua quãng thời gian khá dài dừng đón khách. Tuy vậy, trong thời điểm này, các điểm đến di sản, các Trung tâm, Ban quản lý đã tranh thủ hoàn thiện chất lượng các sản phẩm du lịch, đầu tư tìm tòi hướng đi mới… đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện để sẵn sàng đón khách trở lại khi điều kiện cho phép.
Hiện nay, Hà Nội có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó, có trên 1.182 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm tỷ lệ gần 20% so với cả nước. Nhiều di tích nổi tiếng như: Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, đền Ngọc Sơn, di tích Nhà tù Hoả Lò… là điểm đến không thể bỏ qua của các du khách khi đến với Hà Nội.
Đợt dịch bệnh Covid-19 thứ tư trên địa bàn Hà Nội đã có dấu hiệu được kiểm soát. Do đó, UBND TP Hà Nội đã cho phép hoạt động trở lại một số loại hình dịch vụ. Nếu diễn biến tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các điểm du lịch, các di tích có thể được mở cửa đón khách trở lại trong thời gian không xa.
Vì thế, trong thời gian thực hiện yêu cầu đóng cửa di tích nhằm phòng, chống dịch Covid-19, các ban quản lý di tích các cơ sở văn hoá đã tranh thủ tập huấn công tác chuyên môn, tiếp tục tìm tòi, sáng tạo nhằm làm phong phú hơn hoạt động của mình sau khi đón khách trở lại. Bởi thực tế, muốn thu hút khách đông hơn và kéo khách quay trở lại, các di tích phải đổi mới, tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch.
Từ năm 2020 đến nay, mặc dù việc đón khách liên tục bị ngắt quãng do dịch bệnh nhưng đây là khoảng thời gian có nhiều đột phá về xây dựng sản phẩm du lịch mớicủa BQL di tích Nhà tù Hoả Lò. Ngoài hai sản phẩm du lịch đêm là: “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa”đã thu hút nhiều đoàn khách đăng ký trải nghiệm, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tập trung hoàn thiện sản phẩm tham quan mới, với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân”. Đây tiếp tục là một sản phẩm du lịch đêm được tổ chức tại di tích. Tất cả các tua đều dựa trên những câu chuyện lịch sử về các tù nhân là những nhà yêu nước, chiến sĩ Cách mạng bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò dưới chế độ thực dân Pháp. Các sản phẩm đều kết hợp giữa tham quan, hướng dẫn với chiếu phim tư liệu với dàn dựng các hoạt cảnh để tạo nên sự cuốn hút.
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Nguyễn Thị Bích Thủy, hiện cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý di tích đang gấp rút hoàn thiện, luyện tập để có sản phẩm hấp dẫn nhất để phục vụ khách du lịch ngay khi được phép mở cửa trở lại. Ngoài ra, di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đang tập trung triển khai trưng bày “Thắp lửa yêu thương” hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7.
Trong khi đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám xúc tiến cho kế hoạch tái hiện trường Quốc Tử Giám tại khu Nhà Thái Học để giúp khách tham quan hình dung một phần về khoa cử của triều đình xưa. Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ; trong đó, số hóa toàn bộ các hạng mục di tích bằng công nghệ 3D, phát triển dịch vụ và tiện ích sử dụng công nghệ, xây dựng các trải nghiệm bằng công nghệ. Trong kế hoạch này, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ có sản phẩm du lịch đêm để du lịch trải nghiệm di sản bằng công nghệ ánh sáng kết hợp với công nghệ 3D. Đồng thời, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang xây dựng nhiều kế hoạch, dự án nhằm thu hút khách du lịch khi được mở cửa trở lại.
Đốivới di sản Hoàng thành Thăng Long, thờigian tạm đóng cửa nhằm phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâmBảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã tiến hành “tinh chỉnh” sản phẩmtour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” trên cơ sở lắng nghe những ý kiến đóng góp của các lữ hành, của khách du lịch sau một số buổi “chạy thử”. Bởi đây là một sản phẩm mới, kết hợp giữa giới thiệu, trình diễn ánh sáng laze, khám phá những “bí mật” của Hoàng thành Thăng Long với trình diễn nghệ thuật… Điều này sẽ giúp sản phẩm hoàn thiện hơn khi mở cửa trở lại đón khách.
Còn tại Bảo tàng Hà Nội, việc hoàn thiện các nội dung trưng bày vẫn diễn ra hết sức khẩn trương dù vừa làm việc, vừa thực hiện các biện pháp phòng dịch. Việc trao đổi, làm việc với các chuyên gia nước ngoài vẫn thường xuyên được thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ thi công khi mà các chuyên gia không thể qua Việt Nam do dịch bệnh. Cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Nội đang dồn sức cho việc thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu, với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội”. Sau khi hoàn thiện, khách tham quan có thể tìm hiểu về thiên nhiên Hà Nội cũng như nhiều vấn đề khác bằng các phương tiện, hình ảnh, tư liệu lôi cuốn và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, dịp dừng đón khách cũng là dịp nhiều di tích tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực, nhất là công tác thuyết minh, phục vụ khách tham quan, đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin… để phục vụ khách du lịch tốt hơn.
Hoàng Nam