Di sản – Bảo tồn

Hội thảo khoa học Danh nhân Chu Văn An – Con người và Sự nghiệp

Chiều 6/4, tại Trung tâm VHKH văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và Sự nghiệp”.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội về lập hồ sơ danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm, để chuẩn bị xây dựng hồ sơ danh nhân Chu Văn An gửi các cơ quan chức năng thẩm định trước khi trình UNESCO xem xét, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp”.
Chu Văn An sinh năm 1292, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mất năm 1370, tại núi Phượng Hoàng, Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông có tên tự là Linh Triệt, tên hiệu là Tiều Ẩn, tên thụy là Khang Tiết tiên sinh, tước hiệu là Văn Trinh công. Ông là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho Thái tử và được phối thờ tại đây ngay sau khi ông mất. Cuộc đời Chu Văn An gắn liền với dạy học, làm Thầy ở ba không gian: quê hương Thanh Liệt (Thanh Trì), Quốc Tử Giám và Chí Linh (Hải Dương) và để lại tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với đất nước. Sau khi Ông mất đi, có 12 địa điểm thờ tự; tên Ông được đặt cho 50 trường học, 33 đường, phố trải dài trên khắp các miền của đất nước.
Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội khẳng định: “Tổ chức Hội thảo về Chu Văn An không chỉ nhằm tôn vinh Ông mà qua đó, có cơ sở khoa học để nhìn nhận sâu sắc hơn con người, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Ông đối với dân tộc Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới”.

Ông Trương Minh Tiến – Phó GĐ Sở VH&TT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Chu Văn An – một con người suốt đời “sửa mình trong sạch, giữ vững khí tháo, không cầu danh lợi”; một danh nhân văn hóa trên lĩnh vực giáo dục của Việt Nam, một nhà giáo mẫu mực, suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, không cầu danh lợi, chính trực, thanh liêm. Người Việt Nam qua các thế hệ đều tôn xưng Chu Văn An là Người thầy mẫu mực của muôn đời. Ông là người đứng đầu Trung tâm giáo dục cao cấp nhất Việt Nam – Tư nghiệp Quốc Tử Giám, ông có rất nhiều học trò sau này trở thành bậc nhân tài của đất nước. Là một người dành cả cuộc đời cho giáo dục với phương thức giáo dục không phân biệt tầng lớp xuất thân; học đi đôi với hành với phương pháp khơi dậy, tự suy nghĩ, phát hiện chân lý. Triết lý giao dục nhân bản, nhận thức được tiềm năng học vấn của mọi con người và con người phải được giáo dục để trở thành con người toàn diện, giáo dục là dạy con người phong cách xử thế để trong mọi hoàn cảnh đều có thể hòa hợp với đồng loại.

Ông Phạm Sanh Châu – Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Chấp hành UNESCO đã vạch ra những đường hướng cần tập trung nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ về danh nhân Chu Văn An trình UNESCO

Các bài tham luận trong Hội thảo đã tập trung làm rõ về quê hương, gia đình Chu Văn An; Con người, sự nghiệp; Những đóng góp của Chu Văn An với văn hóa, giáo dục Việt Nam. Và quan trọng nhất đó là định hướng xây dựng hồ sơ danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO kỷ niệm nhân dịp 650 năm ngày mất.

PV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *