Di sản – Bảo tồn

Huyện Sóc Sơn chú trọng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Huyện Sóc Sơn có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh là Hội Gióng tại đền Sóc (xã Phù Linh) và nghi lễ kéo mỏ tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu); 2 di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ gồm: Lễ hội đền Sọ (hay còn gọi là đền Tam Tổng) tại xã Phù Lỗ; Hội Húc cầu ở thôn Xuân Dục (xã Tân Minh)…

Di sản văn hóa phi vật thể là những di sản thể hiện những nét đặc sắc nhất của Thăng Long – Hà Nội. Thực  hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản này chính là để  quảng bá rộng rãi nét đẹp của những di sản này, biến di sản trở thành sản phẩm du lịch, đem lại lợi ích kinh tế cho các địa phương.

Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, huyện Sóc Sơn đã chú trọng triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Mới đây, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể huyện Sóc Sơn đến năm 2025. Trong đó, đề ra các nhóm giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.

Huyện Sóc Sơn có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh là Hội Gióng tại đền Sóc (xã Phù Linh) và nghi lễ kéo mỏ tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu). Bên cạnh đó, huyện còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ gồm: Lễ hội đền Sọ (hay còn gọi là đền Tam Tổng) tại xã Phù Lỗ; Hội Húc cầu ở thôn Xuân Dục (xã Tân Minh); cùng một số lễ hội đình làng trên địa bàn huyện.

Lễ hội Gióng đền Sóc với nhiều nghi lễ truyền thống được tiến hành trang trọng

Ảnh: Cổng TTĐT huyện Sóc Sơn

Trong đó, Lễ Hội Gióng đền Sóc là một trong những lễ hội lớn của Sóc Sơn nói riêng và cả nước nói chung, đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2010. Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của mỗi người. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức  về với lễ hội Gióng đền Sóc thể hiện lòng thành kính, cầu mong một năm bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Theo tục lệ truyền thống, Lễ hội đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Tại lễ hội có 8 thôn làng, đại diện cho 6 xã nhận vinh  dự chuẩn bị lễ phẩm, vật phẩm dâng lên Đức Thánh Gióng nhân ngày khai hội đó là: Lễ rước giò hoa tre, lễ rước ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, cỏ voi, ngà voi, rước tướng và cầu húc. Hình thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của vị anh hùng Thánh Gióng – người đã có công  bảo vệ quê hương, đất nước – một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Nhiều năm qua, huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, các xã, thôn, đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm khi tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc, đó là: Tập trung tuyên truyền khơi dậy, nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta; Thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Gióng tại đền Sóc – Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Tôn vinh, giữ gìn và bảo tồn giá trị kiến trúc, những nét độc đáo của quần thể di tích đền Sóc – di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời giới thiệu và quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của huyện Sóc Sơn với du khách trong và ngoài nước để phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Nghi lễ kéo mỏ được chuẩn bị công phu và thi đấu đầy nhiệt huyết

Ảnh: Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa

Nghi lễ kéo mỏ (kéo co bằng hai cây tre, bẻ quặt mỏ móc lại với nhau, mỗi đội cầm một cây nên gọi là kéo mỏ) trong hội đền Vua Bà ở thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) cũng không quan trọng chuyện thắng thua. Nghi lễ kéo mỏ được tổ chức vào tháng Giêng, nhưng từ trong năm, Ban Khánh tiết, Ban Hương lão đã phải làm công tác chuẩn bị. Người Xuân Lai chọn hai cây tre bánh tẻ đẹp, mỗi cây dài 7- 8m. Người được chọn đi chặt tre phải là người song toàn, gia đình đề huề con cháu. Cây tre chặt xong được nghinh về đền thờ Vua Bà để báo cáo sau đó mới “làm mỏ”. Các cụ phải tính đốt, đếm theo các chữ Thịnh, Suy, Bĩ, Thái. Đốt cuối chỉ được phép lấy chữ Thịnh hoặc chữ Thái. Người làng thường lấy 9 đốt (rơi vào chữ Thịnh). Đến đốt thứ 9 tính thêm ba đốt nữa dùng để bẻ quặt mỏ lại. Chuẩn bị công phu, và thi đấu đầy nhiệt huyết, nhưng sau khi kết thúc, chưa bao giờ các cụ tuyên bố bên thắng bên thua mà chỉ tuyên bố đồng giải. Người xem phải tự đoán ra bên thắng – bên thua. Trong quan niệm của người dân thôn Xuân Lai, đội đứng ở hướng nam thắng thì đại đa số là được mùa, mưa gió thuận hòa. Đội đứng ở hướng bắc thắng thì chỉ được mùa đỗ trắng (cây đậu trắng) còn các thứ khác đều kém. Nghi thức kéo mỏ được duy trì hàng trăm năm nay, kể cả thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, điều kiện khó khăn nhưng người dân vẫn cố gắng tổ chức. Từ năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo mỏ Xuân Lai cùng với các trò chơi kéo co khác của Việt Nam và các quốc gia được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Huyện Sóc Sơn tổ chức hội thảo về vấn đề bảo tồn, phát huy di sản kéo mỏ nhằm giúp di sản sống lâu bền trong đời sống cộng đồng và để nhiều người biết hơn tới di sản này. Trong một số hoạt động văn hóa diễn ra tại huyện Sóc Sơn và ở các địa bàn khác, người dân thôn Xuân Lai cũng được đưa di sản kéo mỏ đến giới thiệu đến đông đảo Nhân dân. Cụ thể như, trình diễn tại Lễ hội Gióng đền Sóc, trình diễn tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Thực hiện Kế hoạch số 104/KH-UBND, đối với Hội Gióng tại đền Sóc, và nghi lễ kéo mỏ tại thôn Xuân Lai, UBND huyện Sóc Sơn sẽ triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết với UNESCO khi đăng ký ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Xây dựng báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo quy định. Các địa phương có di sản xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, công nhận.

Đối với lễ hội đền Sọ và hội Húc cầu ở thôn Xuân Dục, huyện Sóc Sơn sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; ghi hình tư liệu nhằm nhận diện giá trị di sản; phục dựng, thực hành góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ. Biên soạn sách giới thiệu, tài liệu truyền dạy về di sản nhằm lưu giữ và trao truyền lại di sản cho thế hệ sau.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, UBND huyện Sóc Sơn cũng đề ra nhiều nhiệm vụ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị  của loại hình lễ hội truyền thống, loại hình nghề thủ công truyền thống, loại hình ngữ văn dân gian, loại hình tri thức dân gian, và cuối cùng là loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng…

Để di sản có sức sống bền vững, ngày càng nhiều người biết tới hơn, trong thời gian tới, huyện Sóc Sơn đã đề ra các giải pháp: Phát huy tính chủ động, tích cực của cộng đồng trong tổ chức, quản lý các lễ hội; tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa, nội dụng các giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội nhằm giúp Nhân dân hiểu và thấy được trách nhiệm của mình với di sản; hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, tổ chức hội thi, liên hoan; phục dựng, khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của địa phương…

Nguyễn Tâm

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *