Huyện Thanh Oai tập trung nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…
Xác định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là điều kiện, nền tảng để giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, nhân cách con người, giúp mỗi người nhận thức được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, trong những năm qua, huyện Thanh Oai đã luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn và đạt kết quả tích cực.
Làng văn hóa kiểu mẫu Minh Kha (xã Bình Minh).
Bắt đầu từ việc duy trì, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”…huyện Thanh Oai tập trung nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; triển khai đăng ký danh hiệu văn hóa hàng năm; bổ sung thực hiện hương ước, quy ước; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tích cực bảo vệ môi trường, không có tệ nạn xã hội, phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở… Đặc biệt, để triển khai thực hiện Đề án số 91/ĐA-UBND ngày 15/6/2012 về nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa huyện Thanh Oai giai đoạn 2011-2016 và những năm tiếp theo, hàng năm, UBND huyện đều hỗ trợ các làng đạt danh hiệu văn hóa lần 1 số tiền là 30 triệu đồng/làng; các làng tái công nhận danh hiệu văn hóa số tiền 10 triệu đồng/làng để mua sắm trang thiết bị cho Nhà văn hóa. Trung bình mỗi năm, UBND huyện Thanh Oai hỗ trợ từ 400 – 500 triệu đồng cho các làng đạt danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, năm 2018, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Huyện đã hỗ trợ đầu tư ban đầu cho 4 thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu gồm: Tổ dân phố Kim Bài (thị trấn Kim Bài), thôn Thị Nguyên (xã Cao Dương), thôn Minh Kha (xã Bình Minh), thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng), để xây dựng các thiết chế văn hóa với kinh phí 1 tỷ đồng. Đến nay, việc xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu đã từng bước đáp ứng các tiêu chí: Kinh tế tăng trưởng bền vững; đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân lành mạnh và phong phú; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Năm 2020, tỉ lệ Gia đình văn hóa ở huyện Thanh Oai đạt 90%, tăng 4,4% so với năm 2012 (đạt 85,6%); Thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đạt 86,4%, tăng 32,2% so với năm 2012 (đạt 54,2%); Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa là 74,6%, tăng 8,2% so với năm 2012 (đạt 66,4%).
Huyện Thanh Oai tham gia Liên hoan Đồng ca hợp xướng “Đảng – Mùa Xuân – Dân tộc” do thành phố tổ chức.
Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Để phong trào tạo sức lan tỏa, hàng năm, UBND huyện cấp kinh phí cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, UBND các xã, thị trấn hàng trăm triệu đồng để phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, đầu tư cơ sở vật chất phát triển thể dục thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện Thanh Oai thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật cho cán bộ văn hóa xã, thị trấn và hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ (CLB). Các xã, thị trấn cũng tích cực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa văn nghệ…Những năm qua, huyện Thanh Oai đã tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng cấp huyện và cơ sở phục vụ Nhân dân trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm, các sự kiện chính trị lớn của đất nước, Thủ đô và huyện. Trên địa bàn huyên Thanh Oai đang duy trì hoạt động gần 10 CLB văn hóa văn nghệ như: CLB Thơ, CLB hát Văn và hát Chầu văn của huyện, CLB Văn nghệ – thôn Tràng Cát (xã Kim An); CLB Ca nhạc – thôn Thanh Lương (xã Bình Minh); CLB Trống – thôn Bình Đà (xã Bình Minh)… Đây là môi trường quan trọng để các hạt nhân tham gia sáng tác, sáng tạo nghệ thuật; kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
Huyện đã gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân về xây dựng, phát triển văn hoá được nâng cao; ý thức trách nhiệm của mỗi người dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ngày càng tốt hơn, thể hiện ở việc tuân thủ pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống trong gia đình và cộng đồng được phát huy. Việc thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đồng tình ưởng ứng. Các phong trào “Người tốt, việc tốt” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…tiếp tục được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.
Mai Phương