Làm việc với cộng đồng, tìm tiếng nói chung để bảo vệ di sản và đánh thức các giá trị truyền thống thông qua thực hành nghệ thuật đương đại. Điểm đến của con đường kết nối ấy là cơ hội đồng đều và bền vững cho di sản văn hóa Việt Nam. Hòa đời […]
Hòa đời sống đương đại
Lễ ra mắt dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh tại Hà Nội ngày 1.4 vừa qua trình diễn tiết mục “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” và “Hòa nhạc tháng Tư”. Một sáng tác âm nhạc, opera và video dựa trên tuồng cổ; một hòa thanh nhạc cụ hiện đại với giai âm bản địa của nhiều vùng dân tộc. Một kể lại tích xưa theo cách mới, đặt vào mối tương quan giữa lớp thời gian và không gian khác nhau, giữa âm nhạc cổ truyền đầy định tính với khí chất cổ điển châu Âu; một vượt ra khung thành của các nhạc cụ dân tộc nhưng trong lõi của từng làn điệu vẫn chứa đựng hồn vía, nét nhạc đến từ dân gian. Hai nghệ sĩ Kim Ngọc, Nguyễn Nhất Lý đều đã ghi dấu tên tuổi trong thực hành nghệ thuật đương đại nhưng sử dụng chất liệu truyền thống. Đây cũng là ví dụ về cách tiếp cận giá trị di sản của dự án thúc đẩy sự gắn kết văn hóa giữa Việt Nam và Anh.
Tiết mục biểu diễn trong lễ ra mắt Dự án “Di sản kết nối” | Ảnh: Hội đồng Anh |
Sở hữu nhiều di sản đặc sắc nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Lựa chọn di sản là yếu tố cốt lõi, lần hợp tác này hướng tới gắn kết chặt chẽ di sản với cộng đồng và đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa dựa trên gắn kết đó. Mong muốn của dự án là cùng cộng đồng làm sống lại các di sản đang mai một hoặc không được nhiều người biết đến. Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Danny Whitehead: “Đối với người Anh, di sản văn hóa không phải những gì trưng bày ở bảo tàng hay chỉ đưa vào sách giáo khoa, mà mong muốn nó lồng ghép vào đời sống đương đại, đặc biệt là đời sống văn hóa, tinh thần của giới trẻ. Thông qua chuỗi hoạt động, chúng tôi hy vọng đưa di sản văn hóa lâu đời và đáng quý vào đời sống đương đại ở Việt Nam”.
Để tiếp cận đời sống đương đại, dự án chú trọng hỗ trợ truyền nghề, thu thập dữ liệu tại địa phương và kết nối cộng đồng sở hữu di sản với người thực hành nghệ thuật đương đại. Kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản ở Anh cho thấy, đây là hai hợp phần quan trọng. Giám đốc Ban Nghệ thuật và Công nghiệp sáng tạo Hội đồng Anh Nguyễn Phương Thảo cho biết, với các yếu tố đó dự án dựa trên ba trụ cột chính. Thứ nhất là làm việc với di sản nhạc và phim; thứ hai là sự đồng đều và thứ ba là phát triển bền vững. “Trong đó, chúng tôi muốn gắn kết chặt chẽ với cộng đồng tại địa phương, nơi sản sinh ra di sản văn hóa, tạo cơ hội để họ trực tiếp tham gia, hưởng lợi từ việc giữ gìn, chia sẻ giá trị di sản của mình. Đặc biệt nhấn mạnh kết nối truyền thống với thực hành đương đại. Chúng tôi muốn di sản không chỉ dừng lại ở quá khứ mà được tiếp nối, để sự phát triển này bền vững”.
Kết nối bền vững
Dự án “Di sản kết nối” nằm trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa và Phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam, sẽ kéo dài trong hai năm 2018 – 2020. Dự án đánh dấu 25 năm hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam, thúc đẩy sự gắn kết văn hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. |
Thực tế hoạt động kết nối di sản, nhất là trong âm nhạc, được không ít nghệ sĩ thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, các hoạt động mang đến giá trị gì cho cộng đồng chưa được nhìn nhận sâu sắc và nghệ sĩ cũng có cái khó riêng. Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý chỉ ra, di sản thường gắn với bản sắc và hiện đại. Bản sắc là thẩm mỹ và hiện đại là ngôn ngữ. Trong âm nhạc, thẩm mỹ là khai thác vẻ đẹp bên trong nhưng người thực hành nghệ thuật không dễ tìm được câu trả lời, bởi thẩm mỹ mỗi ngày một khác, không có đúng – sai. Hiện đại nằm ở ngôn ngữ từ trình bày đến phong cách thể hiện, lựa chọn giới thiệu cái hay, cái đẹp như thế nào cũng là vấn đề.
Một trong hai đối tượng dự án tiếp cận là âm nhạc. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, âm nhạc dân gian gắn bó với chu kỳ đời người, chu kỳ cộng đồng, là các giá trị rất nguyên bản và khó tiếp cận đầy đủ, tường tận. Việt Nam có 54 dân tộc tương đương 54 nền âm nhạc nhỏ. Đồng thời, âm nhạc cổ truyền Việt Nam phải trải qua thời kỳ dài chịu tác động của lịch sử, chất liệu truyền thống nằm trong trí nhớ của nghệ nhân và phần nhiều đã bị mai một. “Đâu là di sản, đâu là giới hạn để coi nó là di sản, ứng xử với di sản đó như thế nào là vấn đề cực kỳ khó, vì tùy từng góc độ, chuyên môn, mỗi người sẽ đánh giá khác nhau. Cái quan trọng của dự án là xác định rõ hướng đi”.
Tháng 4 này, “Di sản kết nối” khởi động bằng chương trình nghiên cứu thực địa để cho ra danh sách những cộng đồng và dự án văn hóa nào sẽ được chọn lựa ưu tiên. Hướng trực tiếp đến cộng đồng sở hữu di sản là cách những người thực hiện dự án đẩy mạnh và lan tỏa giá trị di sản. Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Danny Whitehead dẫn chứng từ phim Việt là đối tượng được đưa vào dự án: Những năm 1920 – 1960, Việt Nam và Campuchia là hai trung tâm sản xuất nhiều phim nhất ở Đông Nam Á. Thời điểm chưa có công nghệ kỹ thuật hiện đại, phim tập trung vào khung cảnh, cuộc trò chuyện với con người, gắn với sự kiện, hiện vật… Thông qua nghiên cứu để được bài học cho nhà làm phim trẻ không phụ thuộc quá nhiều vào các hiệu ứng về mặt kỹ thuật, công nghệ mà vẫn có các bộ phim chất lượng tốt. Đó là một phần câu chuyện về kết nối di sản bền vững.
Theo daibieunhandan.vn