Triển lãm

Khai mạc Triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời”

Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2020), ngày 9/10, tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức khai mạc triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời”.

Trong suốt 11 thế kỷ, Thăng Long là trung tâm văn hóa, chính trị; nơi diễn ra những sự kiện quan trọng nhất của đất nước. Dưới triều Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Huế. Nhưng ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Thăng Long đã trở lại vai trò Thủ đô, với tên gọi Hà Nội.
Triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” nhằm nêu bật vai trò, tầm nhìn thiên niên kỷ của Đức Vua Lý Thái Tổ trong việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La rồi đổi tên thành Thăng Long cách đây tròn 1010 năm.

Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm.

Với hơn 100 hình ảnh, tài liệu tại triển lãm “Kinh đô mãi muôn đời” được chia làm ba phần: Đức vua Lý Thái Tổ và quyết định dời đô; Kinh đô Thăng Long; Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, phần 1 “Đức vua Lý Thái Tổ và quyết định dời đô” đã khái quát cuộc đời, sự nghiệp vua Lý Thái Tổ; quê hương Kinh Bắc nơi sinh ra ông; khái quát về cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) và tầm nhìn thiên niên kỷ khi vua Lý Thái Tổ ban Thiên đô chiếu. Đặc biệt, qua triển lãm, công chúng được biết về hành trình mà triều đình, nhân dân nhà Lý tiến hành cuộc thiên đô vĩ đại từ Hoa Lư, theo đường sông ra Đại La. Triển lãm cũng giới thiệu về kinh thành Thăng Long dưới thời Lý, những giá trị độc đáo của kinh thành, những hiện vật khảo cổ về Hoàng thành Thăng Long đời Lý.
Trong phần 2 “Kinh đô Thăng Long”, các hình ảnh, tư liệu giới thiệu về những thăng trầm của kinh đô Thăng Long qua các triều đại khác nhau, những thành tựu, những nét đẹp của Thăng Long dưới thời Trần, thời Lê. Điểm nhấn của chủ đề này là nội dung tái hiện lại hành trình dời đô qua các dòng sông từ Hoa Lư về Thăng Long của vua Lý Công Uẩn và triều đình nhà Lý vào năm 1010. Thủy trình được bắt đầu: từ tòa thành Nội tại Hoa Lư theo sông Sào Khê, ra sông Hoàng Long, rồi tiếp theo sông Hoàng Long ngược lên phía Bắc tiến vào sông Đáy tại ngã ba Gián Khẩu (Hà Nam), từ sông Đáy đoàn thuyền vua Lý Thái Tổ đi vào sông Châu (Hà Nam), rồi từ sông Châu ngược ra sông Hồng, theo sông Hồng về thành Đại La.

Phần 3 “Thủ đô Hà Nội” kể lại câu chuyện lịch sử của Hà Nội, từ khi được công nhận là Thủ đô từ năm 1945. Trong đó, có những khoảnh khắc lịch sử khi đoàn quân tiến về Giải phóng Thủ đô năm 1954; Hà Nội chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, niềm vui của nhân dân Thủ đô khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Ở phần này, những thành tựu của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới là điểm thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong đó, Hà Nội hội nhập ngày càng sâu hơn vào dòng chảy thế giới, với việc được UNESCO vinh danh là Thành phố Vì hoà bình, Thành phố Sáng tạo. Hà Nội cũng được biết đến là điểm đến an toàn, thân thiện, với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Triển lãm diễn ra đến hết tháng 10/2020.

Ngọc Hưng

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *