Sáng 2/7, tại di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Nhật ký Hoà bình” nhân kỷ niệm 55 năm diễn ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 – 5/8/2019), 20 năm Thủ đô Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2019).
Hòa bình luôn là ước mơ cháy bỏng không chỉ ở Việt Nam mà còn là niềm khao khát của mọi người dân chân chính trên thế giới. Trong những ngày tháng Bảy chở nặng nghĩa tình, mỗi người Việt Nam đều xúc động khi xem lại những thước phim quay ở chiến trường, hay đọc lại những trang viết về những miền đất lửa, nghe lại bài ca trên những cung đường Trường Sơn…
Tất cả, đều gợi nhớ đến ngày tháng gian khổ nhưng cũng thật anh hùng, thấm đượm tình đoàn kết, sẻ chia không chỉ từ những người con “máu đỏ da vàng”, mà còn từ bạn bè khắp nơi trên thế giới. Với mong muốn sẽ đưa những câu chuyện về một thời chiến tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam cho ngày Bắc – Nam sum họp và sự sát cánh, ủng hộ của bạn bè năm châu đối với Việt Nam trong hành trình giành hòa bình đến gần hơn với công chúng thông qua những câu chuyện cảm động, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức thực hiện trưng bày chuyên đề: “Nhật ký Hòa bình”.
Ông Nguyễn Tâm Chiến – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội Việt-Mỹ xúc động cho biết: “Với tên gọi “Nhật ký Hòa bình” cuộc trưng bày lại được tổ chức tại một địa danh linh thiêng biểu tượng cho tinh thần anh dũng quật cường, sự hi sinh cao cả của biết bao người Việt Nam yêu nước đã đấu tranh cho độc lập, tự do và hòa bình của Việt Nam. Sự cộng hưởng về ý nghĩa lớn còn bởi cuộc triển lãm diễn ra tại Thủ đô Hà Nội – “Thành phố vì Hòa bình”.
Riêng đối với quan hệ Việt-Mỹ, Hỏa Lò lại nhắc nhở về một cuộc chiến khốc liệt, về sự độ lượng và đối xử nhân đạo của Việt Nam đối với các phi công tù binh Mỹ, và hơn thế nữa là lời nhắn nhủ đừng để quá khứ lặp lại trong tương lai.
Cuộc trưng bày “Nhật ký Hòa bình” hôm nay là một minh chứng nữa của khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam. Đây cũng thêm một thông điệp hãy chung tay viết tiếp những trang sử hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân Mỹ và thế giới, được truyền đi từ một địa danh linh thiêng – Nhà tù lịch sử Hỏa Lò, Hà Nội. Chúng ta hãy cùng nghiêng mình trước anh linh của bao chiến sỹ cách mạng Việt Nam đã không tiếc đời mình cho sự nghiệp độc lập tự do và phát triển hòa bình của đất nước. Chúng ta càng quyết tâm hơn đóng góp cho công cuộc cao cả đó để xây dựng “Đại Sử ký Hòa bình” của dân tộc, góp phần vào củng cố sự ổn định và phát triển thịnh vượng của đất nước”.
Qua 3 nội dung chính: Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bình và Thông điệp cho ngày mai, trưng bày muốn gửi tới thông điệp: Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình; Hà Nội – Thành phố vì hòa bình; Việt Nam – điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình.
Lần đầu tiên, những hiện vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, các cá nhân, tổ chức phản chiến giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được giới thiệu đến đông đảo công chúng: Huy hiệu phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh, biểu tình để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam (1964 – 1973); Thống kê thư của bà Cora Weiss – người đứng đầu phong trào Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển từ các phi công Mỹ ở các Trại giam miền Bắc đến gia đình và ngược lại; Giấy ra vào Sân bay Gia Lâm, ông Hoàng Văn Quấn, quản giáo Trại giam Hỏa Lò được Chính phủ Việt Nam cấp để sử dụng trong thời gian thực hiện công tác trao trả phi công Mỹ, năm 1973; Sưu tập báo phản chiến do binh sỹ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến Mỹ (từ năm 1968 – 1972) do các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò; Báo The Veterran (Cựu chiến binh) số 2, tập 47 do các cựu chiến binh Mỹ chống chiến tranh Việt Nam quyên góp kinh phí để xuất bản tại New York, Hoa Kỳ, mùa thu năm 2017…
Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 12/2019 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bảo Nhi
Theo MaskOnline