Triển lãm

Khám phá các giá trị nghệ thuật truyền thống kết nối văn hoá Việt Nam – Nhật Bản

Sáng 23/1, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e”. Triển lãm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với nhóm họa sĩ trẻ thuộc dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” và Quỹ JapanFoundation tổ chức.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.

Triển lãm trưng bày 38 tác phẩm của 34 tác giả là các hoạ sĩ trẻ từng và hiện đang theo học tại Khoa Hội hoạ của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm với tạo hình độc đáo, phản ánh những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt vừa quen vừa mới lạ như tác phẩm “Đám cưới chuột” của tác giả Hoàng Thuý Quỳnh được lấy cảm hứng khi tác giả xem những bức tranh về Kitsune no Yomeiri-zu (đám cưới Cáo) trong dòng tranh ukiyo-e của Nhật Bản. Tác phẩm “Tháng Giêng bất tận” của nhóm tác giả Lê Minh Tâm, Chu Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Tuệ Thư được sử dụng các chất liệu gỗ – giấy dó – đất sét – màu acrylic. Tác phẩm là một quán trọ được xây dựng với không gian mang lại sự nghỉ ngơi tuyệt đối, chia thành 4 phân khu, mỗi khu mang một tên gọi của một mùa trong năm, tượng trưng cho sự vòng tuần hoàn vĩnh cửu của sự hưởng thụ. Tại đây, con người được hoà hợp hơn với thiên nhiên và cả những con vật cũng được tham gia vào thế giới hưởng lạc của “Tháng Giêng bất tận”.

Tác phẩm “Đám cưới chuột” (phía trên) và tác phẩm “Tháng Giêng bất tận” (phía dưới).
Du khách thích thú với cách thể hiện độc đáo của các tác phẩm

Tác phẩm “Tựa Sơn Vọng Thuỷ” sử dụng chất liệu sơn mài trên các vật liệu như gỗ, kim loại thể hiện sự giao hoà giữa những quy luật bất biến của vũ trụ, giữa mặt trăng, mặt trời và trái đất đã vô hình tạo lên mối liên kết ngầm với con người, hình thành mối quan hệ tương sinh. Tác phẩm tranh sơn mài và bộ tranh đa chất liệu “Vũ điệu sắc màu” là bộ tranh sắp đặt trong không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những áng mây mang tạo hình vân mây Hàng Trống – vừa là người dẫn chuyện, vừa là sự kết nối những câu chuyện của các em nhỏ và họa sĩ ứng tác với nhau. Tác phẩm thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau như văn hoá, văn học, câu chuyện dân gian, đời sống xã hội dưới góc nhìn của thế hệ trẻ, những mầm non tương lai của đất nước về nghệ thuật hội họa và văn hoá truyền thống của Việt Nam cũng như nền hội hoạ của các nước trên thế giới.

Tác phẩm “Tựa Sơn Vọng Thuỷ” (ở chính giữa) và bộ tranh đa chất liệu “Vũ điệu sắc màu”.

Tác phẩm “Công thành danh toại” của tác giả Đỗ Vũ Minh Ngọc được lấy cảm hứng từ bức tranh Đông Hồ “Vinh quy bái Tổ” và bia tiến sĩ tại Văn Miếu. Với tác phẩm này, khách tham quan có thể tương tác vẽ hoặc viết lên trên bề mặt thẻ các nội dung bao gồm danh tính, nghề nghiệp của bản thân cùng những mơ ước mình muốn có – hình mẫu thành công trong lúc này. Mỗi người có thể chọn một chữ để đóng dấu hoặc tự ghi lên trên bề mặt thẻ để treo lên bảng vàng…

Tác phẩm “Công thành danh toại”

Các tác phẩm trưng bày được thể hiện qua góc nhìn đương đại từ những sáng tạo cá nhân của các họa sĩ trẻ trên nguồn cảm hứng học hỏi nghiên cứu từ những yếu tố tinh hoa của dòng tranh khắc gỗ Nhật Bản Ukiyo-e kết hợp với các giá trị tinh hoa của chất liệu mỹ thuật truyền thống của Việt Nam như lụa, sơn mài, giấy dó, giấy giang…

Triển lãm mong muốn quảng bá nét đẹp, sự độc đáo của các chất liệu mỹ thuật cổ truyền Việt Nam đến đông đảo người yêu mến nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu tới công chúng sản phẩm văn hóa được kết tinh từ quá trình khám phá các giá trị nghệ thuật truyền thống của những cuộc đối thoại văn hóa xuyên quốc gia.

Triển lãm thu hút các du khách tham quan.

Ths Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển của Triển lãm cho biết: “Đối thoại với dòng tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e” là kết quả những nỗ lực không ngừng nghỉ của các họa sĩ trẻ trong hành trình thúc đẩy thực hành nghệ thuật, lấy cảm hứng từ các giá trị văn hoá mỹ thuật truyền thống của Việt Nam cũng như của các nền văn hoá khác. Hoạt động thực hành “sáng tạo truyền thống” cũng là động lực cho những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, góp phần thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay nói chung và họa sĩ trẻ nói riêng tiếp tục học hỏi, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống để từ đó có thêm động lực và cảm hứng nuôi dưỡng đam mê sáng tạo nghệ thuật.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu tại lễ khai mạc.
Nhiều hình ảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thể hiện trên các tác phẩm tại triển lãm.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu khẳng định, đây là một triển lãm hết sức đặc biệt, tạo nên sự kết nối giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Nhật Bản. Qua đó chúng ta có cơ hội quảng bá đến bạn bè quốc tế những giá trị văn hoá Việt Nam và đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu văn hoá của thế giới tại không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tại triển lãm, rất nhiều hình ảnh của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thể hiện trên các tác phẩm. “Chúng tôi hi vọng, Triển lãm này sẽ là một món quà Tết hết sức đặc biệt gửi đến du khách trong dịp Tết Nguyên đán. Triển lãm cũng viết tiếp mạch định hướng Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo từ những giá trị truyền thống”.

Triển lãm diễn ra tại nhà Thái Học, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đến hết ngày 12/3/2024.

Thanh Hằng

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *