Các bạn trẻ trong nhóm S River đã sưu tầm được gần 2.000 hiện vật là các tác phẩm tranh Hàng Trống, cùng một số loại hình tranh dân gian khác.
Có thể thấy nhiều dòng tranh dân gian của Việt Nam hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng đó, các bạn trẻ thuộc nhóm S River đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để thực hiện dự án đưa những họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống lên môi trường số, góp phần tạo thêm một kho tư liệu phong phú dành cho những ai muốn tìm hiểu và khám phá dòng tranh đặc trưng một thời của Hà Nội.
Tranh dân gian Hàng Trống
Bắt nguồn từ mong muốn bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian Hàng Trống, nhóm S River chính thức được thành lập vào đầu năm 2017, là một tổ chức bao gồm các bạn trẻ tại Hà Nội có niềm đam mê đặc biệt với giá trị truyền thống. Họ đã cùng nhau tập hợp lại để thực hiện một việc làm ý nghĩa, đó là sử dụng các phần mềm đồ họa, hệ thống lại và chuyển thể những họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống từ giấy vẽ truyền thống lên môi trường số. Trải qua quá trình nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau, qua tài liệu, sách vở và các chuyên gia, nghệ nhân làm tranh dân gian, tới nay, các bạn trẻ trong nhóm S River đã sưu tầm được gần 2.000 hiện vật là các tác phẩm tranh Hàng Trống, cùng một số loại hình tranh dân gian khác.
Một thành viên của nhóm S River chỉnh sửa tranh trên máy vi tính.
Bạn Trịnh Thu Trang, Trưởng nhóm Thiết kế của S River chia sẻ: “Tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, các dòng tranh nghệ thuật truyền thống của họ đều có những bản mềm giống hoàn toàn với nguyên mẫu và được lưu giữ trong các kho tư liệu số. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta mới chỉ thực hiện tốt ở khâu bảo quản các hiện vật bản gốc, còn quá trình đưa các hiện vật vào kho tư liệu số thì chưa thực sự được phổ biến”. Để đưa một bức tranh Hàng Trống vẽ trên chất liệu giấy dó bồi truyền thống lên môi trường số cũng đòi hỏi nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là việc các thành viên trong nhóm S River phải tìm đến sự giúp đỡ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên để có được những bức tranh Hàng Trống đúng với nguyên tác. Các bức tranh mà nhóm thu được sẽ được xử lý thông qua các phần mềm máy tính, rồi sau đó chuyển thể thành các bản mềm và bước cuối cùng là đăng tải lên mạng Internet để lưu giữ lâu dài. Thực tế cho thấy, hầu hết các bức tranh Hàng Trống đã biến mất trên thị trường do phần mộc bản bị thất lạc. Hiện nay, tại Hà Nội duy nhất Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn giữ được một số mộc bản quý hiếm của tranh Hàng Trống. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc đưa những tác phẩm nghệ thuật lên môi trường kỹ thuật số sẽ bảo đảm được tính bền vững theo thời gian, cũng như loại bỏ các yếu tố hư hại từ môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, các họa tiết, màu sắc đặc trưng của tranh Hàng Trống sẽ được nhóm số hóa thành các bảng mã màu, ảnh véc-tơ (ảnh véc-tơ là một loại ảnh được định hình bằng các phương trình toán học để đưa vào máy in công nghiệp) và được ứng dụng vào các lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ gia dụng, nội thất, thủ công mỹ nghệ.
Thông dự án này, nhóm S River hy vọng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đặc trưng của tranh dân gian Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
Tiến Cường