Lễ hội

Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo và khai hội truyền thống Đình làng Thái Bạt

Ngày 18/3/2024, Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ xã Tòng Bạt long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và khai hội truyền thống Đình làng Thái Bạt.

Đình làng Thái Bạt thờ Tam vị Đức thánh Tản Viên Sơn – một trong những vị thần “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ có hình chữ Đinh nhìn về phía Tây Nam. Đình có niên đại xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 18, là ngôi đình duy nhất còn lại trong vùng qua các thời kỳ tàn phá của giặc. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình làng trở thành địa điểm hoạt động cách mạng kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, vào năm 1946 đình làng Thái Bạt là điểm bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Đặc biệt ngày 17/8/1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương về tại Đình làng thăm và phát động phong trào “Gió đại phong” xã Tòng Bạt. Đình làng Thái Bạt còn là nơi tổ chức sinh hoạt chính trị trong suốt những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước của Chi Bộ, Đảng Bộ xã Tòng Bạt và còn là trụ sở làm việc của HTX nông nghiệp.

Bia lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban nông nghiệp Trung ương chỉ đạo phong trào “Gió Đại Phong”

Năm 1994 thể theo nguyện vọng của Nhân dân trong làng, Đình được khôi phục làm sống lại những nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh mang đậm bản sắc dân tộc, như tế lễ Tản Viên Sơn Thánh và các chò chơi dân gian được Nhân dân hưởng ứng.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc, năm 2006, Đình làng Thái Bạt được UBND tỉnh Hà Tây ban hành quyết định số 306 QĐ/UBND xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (nay là thành phố Hà Nội).

Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, các hạng mục công trình của di tích đã bị hư hỏng và làm thay đổi kết cấu gốc của di tích. Trước hiện trạng như vậy, UBND xã Tòng Bạt đã báo cáo và được UBND huyện Ba Vì quan tâm, thực hiện công tác khảo sát và lập dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đình làng Thái Bạt. UBND huyện Ba Vì đã giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND huyện phê duyệt. Đợt tu bổ tôn tạo lần này, đã tạo cảnh quan khu Di tích Lịch sử – Đình lang Thái Bạt trở nên khang trang, nhưng vẫn giữ được những giá trị nguyên gốc của di tích. Ngôi đình được khánh thành sẽ là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, sinh hoạt của Nhân dân.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đình làng Thái Bạt

Dự án được triển khai thực hiện đầu tư gồm các hạng mục: Nghi môn, nhà Đại Bái và Hậu cung, nhà Tả mạc hữu mạc, nội thất đồ thờ trong di tích, xây mới nhà Bếp, nhà vệ sinh, nhà Bao che, nhà bảo quản hiện vật, Khu lưu niệm sự kiện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm và phát động phong trào “Gió Đại phong”, xây mới nhà khách, nhà Bia lưu niệm và hạ tầng kỹ thuật, phòng chống mối mọt, phòng chống cháy nổ; Tổng thể khuân viên di tích rộng 4.150m2, với tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng.

Công trình được khởi công ngày 04/8/2022 và hoàn thành vào tháng 12/2023. Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, đảm bảo các yêu cầu về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân địa phương.

Khuôn viên Đình làng sau khi tu bổ, tôn tạo

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh chúc mừng Nhân dân thôn Thái Bạt và xã Tòng Bạt đã có được ngôi Đình khang trang. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn nói chung và di tích lịch sử đình Thái Bạt nói riêng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tong Bạt cần có kế hoạch cụ thể để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Di tích lịch sử Đình làng Thái Bạt; Gìn giữ, phát huy tốt nhất các công trình, hạng mục của ngôi đình. Đặc biệt, thông qua các thiết chế văn hóa, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân đặc biệt là các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của ông cha ta nhằm bồi dưỡng khơi dậy tình yêu quê hương đất nước tự hào dân tộc củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, động viên thế hệ trẻ tích cực tham gia và xây dựng vào công cuộc đổi mới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt nội quy, quy chế quản lý và bảo vệ di tích. Thường xuyên tổ chức kiểm kê, bảo quản di vật, đồ thờ trong di tích. Thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích theo đúng quy định của Nhà nước; Tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống tại địa phương theo đúng quy định, phát huy hơn nữa những truyền thống, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Nghi lễ rước Thánh Thành Hoàng làng từ Đền vào Đình làng

Trước đó, vào buổi chiều ngày 14 tháng Hai năm Giáp Thìn (tức ngày 17/3/2024), Nhân dân trong thôn đã tổ chức nghi lễ rước Thánh Thành Hoàng làng từ Đền vào Đình làng theo đúng nghi lễ truyền thống.

BV

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *