Triển lãm

Khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hân hoan của mùa thu lịch sử 64 năm về trước

Những chặng đường gian nan của quân, dân Việt Nam, của 9 năm trường kỳ kháng chiến để viết nên khúc khải hoàn Giải phóng Thủ đô đã được tái hiện tại trưng bày “Hà Nội ngày trở về” tại Nhà tù Hỏa Lò.

Quay trở về khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng của mùa thu lịch sử 64 năm về trước, khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô; từ thời khắc trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đi lên với những bước chuyển mình quan trọng.

Trưng bày chuyên đề: “Hà Nội ngày trở về” diễn ra nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018), được chia thành 2 nội dung chính: Ra đi… Hẹn một ngày về và Hà Nội ngày trở về.

Ra đi… Hẹn một ngày về là những câu chuyện trong 9 năm kháng chiến gian khổ, trường kỳ với biết bao gian nan, thử thách, để biến lời thề sắt son đòi lại Thủ đô yêu dấu, giải phóng đất nước và đoàn tụ với gia đình trở thành hiện thực.

Tại không gian trưng bày này công chúng được biết đến một tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của toàn thể đồng bào, chiến sỹ đứng lên đánh giặc cứu nước; một Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn, nơi nuôi chí bền gan chiến đấu của cả dân tộc; một Hà Nội thời tạm chiếm vừa đổi thay, vừa pha trộn, vừa tạm bợ và Chín năm làm một Điện Biên với biết bao gian nan, máu, xương đã đổ xuống cho ngày giải phóng Thủ đô.

Đại tá Lê Duy Tư, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình ca tham gia tiếp quản Tòa án Hà Nội xúc động bên bức ảnh Tiểu đoàn Bình ca trên cầu Đuống tiến về Hà Nội ngày 08/10/1954

Phần nội dung trưng bày thứ hai Hà Nội ngày trở về là những câu chuyện của 64 năm về trước khi Hà Nội hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô; là sự vươn mình đổi thay của Thủ đô và đất nước trên con đường hội nhập và phát triển.

Tổ hợp chính của trưng bày được thể hiện thành hai không gian đối lập. Một bên là hình ảnh Hà Nội đổ nát, hỗn loạn, ngổn ngang nhưng đậm chất anh hùng trong 60 ngày đêm khói lửa mùa đông năm 1946; một bên là Hà Nội rợp trời sắc đỏ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô mùa thu năm 1954. Hà Nội như bừng tỉnh, mới lạ, rực rỡ và hân hoan. Dưới quốc kỳ, hàng triệu trái tim rực lửa thay mặt cho quân và dân cả nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Sự trang nghiêm, nghẹn ngào, xúc động, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng, tất cả đã vẽ nên bức tranh Hà Nội hòa quyện những gam màu trong buổi đầu giải phóng.

Bên cạnh đó, tại trưng bày chuyên đề Hà Nội ngày trở về, lần đầu tiên hơn 20 hiện vật gắn liền với sự kiện giải phóng Thủ đô được giới thiệu tới công chúng như:
Tập thơ “Gặt mùa” (tập I, II), ông Lê Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội sáng tác trong thời gian phụ trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến và bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1951 – 1953.
Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho các chiến sỹ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Báo “Tiền phong” (báo của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, số đặc biệt đón mừng ngày giải phóng Thủ đô), ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần), cán bộ Thành đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội tham gia viết bài, tổ chức in ấn, tháng 10/1954.
Chứng minh thư, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội cấp cho ông Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần) sử dụng khi đi liên hệ công tác trong thời kỳ tiếp quản Thủ đô từ ngày 9/10/1954 đến ngày 31/12/1954.

Tại buổi khai mạc, bà Bùi Thị Thu Hiền – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã bày tỏ cảm xúc của mình về những ngày tháng Mười lịch sử, khi đất nước lại hướng về kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018). Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội trong rợp trời sắc đỏ cờ, hoa. Dưới quốc kỳ kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính, hàng triệu trái tim rực lửa thay mặt cho quân và dân cả nước thực hiện nghi lễ chào cờ lịch sử. Kể từ thời khắc hào hùng ấy, Thủ đô có những bước phát triển mạnh mẽ, diện mạo có nhiều đổi thay, nhưng ký ức về những ngày đấu tranh và tiếp quản Thủ đô vẫn còn in đậm trong tâm trí những người con Hà Nội. Tri ân quá khứ để vững bước tương lai, để chúng ta nguyện sống xứng đáng với công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước đã không ngừng bồi đắp, để có một “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến”, một “Thủ đô anh hùng”, một “Thành phố vì hòa bình”.

Bà Bùi Thị Thu Hiền – Phó GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu khai mạc Trưng bày

Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh và phỏng vấn được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về ký ức một thời hào hùng của quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo để đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô. Đạn bom, chia cắt và đau thương đã lùi về quá khứ, cuộc sống mới ở Thủ đô tiếp tục được dựng xây và phát triển. Những công trình kiến trúc được tiếp quản ngày nào, giờ trở thành Di sản văn hóa. Điều đó khẳng định ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Góp phần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ có thêm đồng lực, ý chí phấn đấu vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc Khánh

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *