Chiều 19/11, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức họp thảo luận phương án khôi phục Gò Kim Châu, Hồ Văn Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tham dự buổi thảo luận có đồng chí Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các nhà khoa học, viện bảo tồn di tích…
Hồ Văn thuộc Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám với diện tích 12.297m2, giữa hồ có gò Kim Châu, xây dựng vào khoảng niên hiệu Cảnh Trị (1668-1671), trên gò dựng Phán Thủy đường là nơi diễn ra các buổi bình văn của các nho sỹ kinh thành xưa, nay Phán Thủy đường không còn, nhưng trên gò còn 1 tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865), cũng được tìm thấy trong dịp nạo vét hồ. Trong “Hoàn văn hồ bi” có viết: “Hồ này ở ngoài tường cửa thứ ba của Văn Miếu tên là hồ Minh Đường hay là Hồ Văn. Hồ rộng 1 vạn chín trăm thước vuông tây, trong hồ có gò tròn gọi là gò Kim Châu rộng hai trăm thước vuông tây. Hồ được lấy làm đất của thành phố đã lâu…”.
Trong thời gian vừa qua, dư luận quan tâm về việc một số người lén lút xây đền, lập phủ, tổ chức hầu đồng tại gò Kim Châu nằm trong khu vực Hồ Văn – một thành phần của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn hành động xâm hại di tích cấp quốc gia đặc biệt này. Sau đó, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có cuộc tiếp xúc để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Xét thấy nguyện vọng sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân ở khu vực này là hợp lý, Trung tâm đã đề xuất với UBND TP Hà Nội và Bộ VH,TT&DL phương án phục dựng gò Kim Châu. Ý tưởng và đề xuất nói trên không tách rời phương án bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám một cách bền vững, mang lại hiệu quả cao hơn.
Việc phục dựng Gò Kim Châu là việc làm cần thiết và có ý nghĩa đối với khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Đây là một bộ phận trong quần thể khu Di tích cần được khôi phục để phát huy giá trị vốn có.
Bảo Hân
Theo MaskOnline