Những ngày gần đây, việc UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Đấu giá số 5 quốc gia (đơn vị tổ chức bán đấu giá cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bán đấu […]
Những ngày gần đây, việc UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Đấu giá số 5 quốc gia (đơn vị tổ chức bán đấu giá cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – VAMC, thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) bán đấu giá một số cổ vật, tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao về lịch sử – văn hóa tại Hà Nội gây chú ý dư luận, trong đó có mối lo ngại về nguy cơ cổ vật “chạy” ra nước ngoài. |
Tại cuộc họp báo vừa diễn ra, đại diện Công ty cổ phần Đấu giá số 5 quốc gia cho biết, trong phiên đấu giá lần đầu sẽ được tổ chức công khai vào ngày 19-8 tới, công ty đưa ra ba cổ vật quý, gồm: Bình đồng văn hóa Đông Sơn (cách đây gần 2.000 năm); thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ 13-14); hộp Pháp lam hoàng cung triều Nguyễn (thế kỷ 19). Ba cổ vật này thuộc sở hữu tư nhân, đã được giám định niên đại và giá trị, đăng ký bản quyền, có hồ sơ bảo đảm tính pháp lý; do đó được đấu giá công khai, người nước ngoài cũng có thể tham gia theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Ngoài ra, có 5 pho tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn do các nghệ nhân làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ chế tác, dát vàng 9999 và bộ trang sức nghệ thuật gắn hai viên đá ruby sao Việt Nam. Đây là lần đầu Hà Nội cho phép tổ chức đấu giá cổ vật công khai trên địa bàn thành phố – một sự kiện có tính “mở đường”, đem lại niềm vui và hy vọng cho nhiều cá nhân đam mê sưu tập cổ vật. Lâu nay, luật pháp Việt Nam đã có những quy định cụ thể về giao dịch mua bán di vật, cổ vật. Nhưng thực tế, vẫn chưa có thị trường cổ vật đúng nghĩa; việc mua bán chủ yếu mang tính tự phát, dựa vào… niềm tin(!), dẫn đến không ít rủi ro như nhà sưu tập luôn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái bởi hầu hết cổ vật đều không chứng minh được nguồn gốc. Việc cho phép tổ chức đấu giá công khai góp phần tạo ra một thị trường minh bạch, bảo đảm tính pháp lý và quyền lợi cho các bên. Theo đánh giá của các chuyên gia có uy tín, ba cổ vật trên đều là những kiệt tác nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa, thuộc dạng quý hiếm; rất đáng được sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản và thưởng lãm; các bảo tàng trong nước nên mua. Tuy nhiên, khả năng tham dự đấu giá của các bảo tàng nhà nước không cao, ngay cả đơn vị lớn nhất hệ thống là Bảo tàng Lịch sử quốc gia không phải lúc nào cũng có thể bỏ tiền ra để mua hiện vật. Từ đó, có một số ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu cuộc đấu giá sắp tới có sự tham gia của người nước ngoài và khi họ trả giá cao nhất, những cổ vật có giá trị đó sẽ ra khỏi Việt Nam. Và như vậy, đây chính là hình thức công khai để “tuồn” cổ vật, báu vật ra khỏi quốc gia. Tuy nhiên, GS, TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, theo Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL, nếu đúng như giám định, đánh giá của chuyên gia về các cổ vật được đơn vị tổ chức đấu giá công bố, thì bình đồng và thạp gốm hoa nâu thuộc loại di vật, cổ vật không được mang ra nước ngoài. Pháp luật không cấm người nước ngoài tham gia cuộc đấu giá, nhưng khi họ sở hữu được, chắc chắn họ sẽ không được mang những cổ vật đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Lâu nay, vẫn tồn tại tình trạng thất thoát cổ vật, tài sản văn hóa của nước ta do một số nguyên nhân như chiến tranh, việc đào bới trái phép các di chỉ khảo cổ học, nạn trộm cắp cổ vật trong di tích để mua bán trong nước và xuất trái phép ra nước ngoài… Điều đáng nói, mặc dù đã có các quy định của pháp luật, song thực tế, công tác quản lý của các địa phương, cấp, ngành còn hạn chế và nhiều “lỗ hổng”; việc xử lý chưa đủ sức răn đe, và những cổ vật đã bị mất hiếm khi tìm lại được. Chính vì thế, mối lo của các nhà chuyên môn và những người yêu văn hóa dân tộc về nguy cơ “chảy máu” cổ vật từ sự kiện này là có cơ sở. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất cả về cơ sở pháp lý và giải pháp để tránh những hậu quả đáng tiếc. Theo Báo Nhân dân |