Lễ hội

Kiểm tra công tác quản lý và chuẩn bị tổ chức lễ hội làng Bát Tràng

Ngày 22/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý và chuẩn bị tổ chức lễ hội làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Công tác chuẩn bị cho lễ hội làng Bát Tràng đã sẵn sàng

Hội làng Bát Tràng xưa kéo dài 15 ngày trong tháng Hai, không chỉ để người dân tưởng nhớ Thành hoàng, giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, mà còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Ngày nay, hội làng chỉ tổ chức trong 3 ngày, từ 14-16 tháng Hai âm lịch. Năm nay, Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức tại các di tích lịch sử đã được xếp hạng như: Kim Trúc tự, Đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, mà trọng tâm là Đình làng Bát Tràng.

Theo kế hoạch, Lễ khai hội làng Bát Tràng sẽ diễn ra 9h sáng 23/3 với nhiều nghi lễ truyền thống: dâng lễ Tam sinh (trâu, dê, lợn), sau đó hai đoàn rước thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ. Đoàn cấp thủy thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ dâng hương tại Kim Trúc tự, nhà thờ Bác Hồ, Đền Mẫu Bản Hương.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, trong 3 ngày 14-15-16 tháng Hai âm lịch (tức 23-24-25/3), trên địa bàn xã Bát Tràng diễn ra 2 lễ hội truyền thống của 2 làng Bát Tràng (khai mạc vào 14 âm lịch) và Giang Cao (khai mạc vào ngày 15 âm lịch). Trong 2 ngày cùng diễn ra 2 lễ hội trên địa bàn, dó đó, nhằm chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức, UBND xã Bát Tràng đã xây dựng kế hoạch về tổ chức lễ hội Xuân 2024 và Tuần lễ du lịch Bát Tràng. Xã đã báo cáo với UBND huyện về quy mô, công tác tổ chức, thành lập các tiểu ban tổ chức lễ hội 2 làng. Các tiểu ban cũng đã thành lập các tổ, đội, phân công công việc cụ thể.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi báo cáo tại buổi làm việc

Cũng theo ông Phạm Huy Khôi, quy mô 2 lễ hội năm nay đều lớn hơn mọi năm bởi sau đại dịch Covid-19, du khách trở lại với điểm du lịch Bát Tràng đã đông hơn. Do đó, thông qua việc tổ chức lễ hội và Tuần Du lịch Bát Tràng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tuyên truyền quảng bá văn hóa của Bát Tràng đến với người dân các địa phương khác, du khách trong và ngoài nước. Trong lễ hội làng Bát Tràng có nhiều hoạt động văn hóa – thể thao đã và đang diễn ra như thi đấu bóng bàn, bóng đá, cờ tướng, tennis…

Giải cờ tướng diễn ra tại sân đình làng Bát Tràng

Nhiều nghi lễ truyền thống sẽ diễn ra tại lễ hội, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Trong lễ khai hội, ngoài phần lễ truyền thống, BTC thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công Thương, ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng.

“Thông qua lễ hội, Bát Tràng kì vọng tiếp tục quảng bá và thu hút du khách trong và ngoài nước; tạo sức lan tỏa từ “Điểm du lịch Bát Tràng” tới bạn bè trong nước và quốc tế, thiết thực góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa từ nền tảng là những giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống”, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi nhấn mạnh.

Đoàn kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại xã Bát Tràng.

Trong hai ngày tiếp theo (24- 25/3, tức 15-16 tháng Hai âm lịch), người dân và du khách sẽ được tham gia các hoạt động dâng lễ, thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà. Trong 3 ngày lễ hội có tổ chức: Giao hiếu với 4 làng; Thi đấu thể thao: Các trò chơi dân gian và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng. Thông qua Hội xuân truyền thống làng gốm, dân làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa” “Quốc thái dân an”, “Dân sinh an lành hạnh phúc, Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, tăng cường khối đại đoàn kết…

Trưởng Phòng VHTT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, Phòng đang phối hợp với Sở VHTT Hà Nội xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội làng Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng lưu ý, phát huy và quảng bá những giá trị truyền thống của lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Là một trong những lễ hội lớn của Thủ đô, hội làng Bát Tràng cũng là “điểm hẹn” đầu Xuân đặc biệt hấp dẫn, với nhiều hoạt động, nghi lễ truyền thống gắn với văn hóa vùng sông Hồng. BTC cũng cần lưu ý nghiêm túc thực hiện việc đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các di tích, địa điểm diễn ra lễ hội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường tuyên truyền người dân, du khách thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong các hoạt động của lễ hội…

Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng phát biểu tạ buổi làm việc

“Những phát sinh, bất cập dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa, văn minh của lễ hội. Vì vậy, phát huy kinh nghiệm đã có, cùng với kế hoạch tổ chức đã được chuẩn bị sẵn sàng, chính quyền địa phương và BTC lễ hội, BQL di tích cần nâng cao sự chủ động, linh hoạt để giải quyết các tình huống có thể diễn ra, nhất là trong các thời gian cao điểm của lễ hội”, ông Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.

Hội làng Bát Tràng, Giang Cao cũng là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc Thánh Thần, Thành hoàng Làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp văn minh.

Tô Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *