Lễ hội

Kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử – Công chúa Tiên Dung

Sáng 7/5, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội làm việc với huyện Thường Tín về việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử – Công chúa Tiên Dung (xã Tự Nhiên) năm 2024. Cùng dự có Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng.

Xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Đình Hạ – đình Thượng và khu Giá ngự. Đây là quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.

Đình Thượng, xã Tự Nhiên

Từ xa xưa lễ hội Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung của xã Tự Nhiên đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa dân gian, một đời sống tinh thần không thể thiếu được của người dân xã Tự Nhiên nói riêng và người dân trong huyện Thường Tín nói chung.

Đức thánh Chử Đồng Tử là một trong “tứ bất tử” của Việt Nam. Liên quan đến sự tích Đức thánh Chử Đồng Tử, người ta không thể không nhắc tới câu chuyện tình lãng mạn và bất tử giữa chàng trai nghèo đánh cá ven sông với nàng Tiên Dung – Công chúa con gái đời vua Hùng thứ 18.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng trước ngày chính hội.

Truyền thuyết kể về thiên tình sử Chử Đồng Tử – Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng, xinh đẹp, quyền quý, con vua Hùng Vương thứ 18 đã yêu, kết duyên với chàng trai đánh cá nghèo nhưng rất mực hiếu thảo bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội.

Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một mối tình mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử trong việc cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế mà người đời tôn Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng.

Hàng năm, xã Tự Nhiên đều tổ chức lễ hội lớn để kỷ niệm ngày Đức thánh Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng. Đặc biệt, lễ hội diễn ra những nghi thức mang tính biểu tượng, thể hiện rõ rệt sự gắn kết chặt chẽ giữa đời sống văn hóa của người dân với dòng sông Hồng – đó là nghi thức rước nước và rước kiệu.

Khu nền Giá ngự

Năm 2024, lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử – Tiên Dung được tổ chức với quy mô hội lệ. Sáng 7/5, Ban tổ chức lễ hội đã thực hiện nghi thức rước nước; tại sân đình cũng diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống. Ngày 8/5 (tức mùng 1 tháng 4 âm lịch) là ngày chính hội với nghi thức khai mạc lễ hội được tổ chức cùng các nghi lễ.

Tại buổi kiểm tra, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng lưu ý địa phương cần chú ý tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong những ngày diễn ra lễ hội. Nghiêm túc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác phòng chống cháy nổ… đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, để di tích là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc

Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng ghi nhận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín là một trong những địa phương làm tốt việc quản lý và tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng cũng lưu ý, văn bản Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội đã có rất nhiều thay đổi, do đó, lãnh đạo địa phương cần quán triệt đầy đủ các văn bản. Lưu ý đến việc tiếp nhận hiện vật công đức, đặc biệt là các sinh vật ngoại lai. “Những gì thuộc về văn hoá Việt Nam, văn hoá truyền thống thì chúng ta phải cố gắng gìn giữ, vừa bảo tồn vừa phát huy. Còn những gì trong quá trình tiếp biến chưa phù hợp, chưa đúng với quy định hiện nay của Nhà nước thì chúng ta cần loại bỏ. Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm việc quản lý tiền công đức; xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội… không để yếu tố thương mại át đi các yếu tố truyền thống trong lễ hội, để lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử – Tiên Dung trở thành một khuôn mẫu, trở thành điểm đến của các du khách trong và ngoài nước” – Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng nhấn mạnh.

Bình Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *