Sáng 6/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy làm việc với Đảng ủy Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo một số ban, ngành của thành phố.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Đảng ủy Sở đã ban hành Kế hoạch số 3737-KH/ĐU ngày 28/7/2016 lãnh đạo, chỉ đạo về việc thực hiện Nghị quyết số 06 tại Sở, tập trung vào 06 nội dung, nhiệm vụ UBND Thành phố giao Sở chủ trì thực hiện tại Kế hoạch số 207/KH-UBND; đồng thời ban hành các văn bản phổ biến, quán triệt, triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở tổ chức thực hiện.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, các nội dung đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội góp phần điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử, gìn giữ nét văn hóa Hà Nội, phát huy truyền thống tốt đẹp của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến – anh hùng, phát huy hình ảnh Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn.
Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức an toàn, hiệu quả, trong đó nổi bật (từ năm 2016 đến nay), Sở đã tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố tổ chức thành công 08 Lễ kỷ niệm cấp quốc gia do Trung ương giao thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì tổ chức; nhiều hoạt động kỷ niệm cấp Thành phố. Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan có nhiều đổi mới, được thực hiện đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở góp phần làm đẹp cảnh quan, mỹ quan đường phố, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô và du khách gần xa đến Hà Nội, tăng sức hấp dẫn của du lịch Thủ đô.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại các quận, huyện, thị xã ngày càng được quan tâm. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn Thành phố có hơn 300 chương trình nghệ thuật do các cơ quan, đơn vị tổ chức được Sở cấp phép; hơn 2.500 buổi biểu diễn nghệ thuật do các Nhà hát thuộc Sở tổ chức; tổ chức gần 5.000 buổi chiếu phim cùng khoảng 50 giải thể thao.
Sở đã tham mưu UBND Thành phố đưa được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn, đẳng cấp, hấp dẫn tổ chức thường niên hằng năm tại Thủ đô thu hút khách du lịch đến Hà Nội: Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert; Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội; Lễ hội Bơi chải thuyền rồng thành phố Hà Nội mở rộng 2017, 2018; Giải Marathon quốc tế di sản… Trên địa bàn Thành phố, đã hình thành một số sản phẩm văn hóa – du lịch nổi bật được đưa vào phục vụ nhân dân và du khách, tiêu biểu là Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Đặc biệt, sự kiện thành phố Hà Nội chính thức trở thành thành viên thứ 22 của Giải đua xe Công thức 1 Thế giới, đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 – SEA Games 31 đã góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong nước, quốc tế, tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch của Thủ đô phát triển hơn nữa trong tương lai.
Hoạt động quảng bá văn hóa, đất nước, con người của Hà Nội tại các tỉnh, thành phố trong nước và các nước trên thế giới được tăng cường: Ngày Văn hóa Hà Nội được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các thành phố trên thế giới; hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động xúc tiến du lịch trong nước, quốc tế được tổ chức tốt, tiêu biểu là tổ chức thành công hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội. Lựa chọn, cử các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Thủ đô tham gia biểu diễn tại hơn 20 thành phố và quốc gia trên thế giới; tham gia các Liên hoan, Lễ hội nghệ thuật quốc tế; tổ chức các đoàn vận động viên, huấn luyện viên đi tập huấn, thi đấu tại các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế…
Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Sở đã tập trung hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội đúng quy định, phát huy đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục ổn định; việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm. Tham mưu UBND Thành phố Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan, du lịch đến các di tích do Sở trực tiếp quản lý.
Năm 2019, Sở đã phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy và các sở, ngành tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố hoàn thành công tác xây dựng Hồ sơ ứng cử và ngày 30/10/2019 vừa qua, thành phố Hà Nội đã chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Bênh cạnh những kết quả đạt được cũng còn có một số hạn chế trong qua trình thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU do các nguyên nhân như nguồn lực đầu tư cho các Nhà hát, các Di tích danh thắng, di sản văn hóa phi vật thể… để nâng cao chất lượng các sản phầm văn hóa phục vụ du lịch cũng còn gặp những khó khăn.
Sự nghiệp phát triển văn hóa là nhiệm vụ đòi hỏi sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của các cấp, các ngành, quận, huyện, thị xã và toàn xã hội. Tuy sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi cũng còn những hạn chế. Ý thức, nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, vì vậy vấn đề vệ sinh môi trường tại một số địa điểm: Vườn hoa, Công viên, tuyến phố đi bộ… chưa thật tốt, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thành phố.
Để tiếp tục thực hiện tốt các nội dung được giao nhằm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Sở Văn hoá và Thể thao đã vạch rõ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận và đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm cán bộ ngành Văn hoá – Thể thao trong thực hiện nhiệm vụ trong việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và Kế hoạch số 207/KH-UBND trong việc tham mưu kịp thời với UBND Thành phố ban hành các văn bản liên quan. Sở đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, tạo môi trường phát triển du lịch; Phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn Thành phố diễn ra sôi nổi, phong phú…; Tổ chức tốt các ngày lễ, các sự kiện, đặc biệt là các lễ kỉ niệm quốc gia một cách chuyên nghiệp… liên kết với quảng bá du lịch.
Qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Thành phố đã tạo điểm nhấn cho các điểm du lịch trên địa bàn; Xây dựng và tổ chức tốt việc liên kết hoạt động với các tỉnh, thành…; Công tác quản lý nhà nước về lễ hội trong 3 năm gần đây đã chuyển biến rất tích cực… Tất cả các kết quả đó đã đóng góp tích cực vào thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và phát triển du lịch Thủ đô.
Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng Sở cần có kế hoạch chi tiết cụ thể riêng triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và Kế hoạch số 207/KH-UBND; Tham mưu cho Thành phố để có những phong trào mới, hiệu quả trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, hạn chế tối đa những hình ảnh phản cảm tại các điểm đến; Cần chủ động tham mưu để Thành phố giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của ngành, phát huy giá trị di sản xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô.
Hồng Diên
Ảnh: Anh Tùng
Theo MaskOnline