Chiều 27/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU do Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì, tiến hành kiểm tra tại huyện Gia Lâm về việc triển khai, thực hiện Chương trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham gia Đoàn kiểm tra có lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố.
08/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra
Qua gần 3 năm thực hiện, được sự quan tâm, chỉ đạo Thành uỷ, UBND, các sở, ban, ngành Thành phố, Huyện uỷ đã có nhiều giải pháp lãnh đạo UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. 05 Chương trình công tác, 03 Đề án được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt; các chỉ tiêu Chương trình thực hiện đảm bảo tiến độ, trong đó có 08/13 chỉ tiêu vượt, 02/13 chỉ tiêu đạt, 03/13 chỉ tiêu còn lại đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.
Các chỉ tiêu về văn hóa đều hoàn thành vượt chỉ tiêu: tỷ lệ gia đình văn hoá năm 2022 đạt 95,6% (kế hoạch đề ra 90%); tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa năm 2022 là 98,8% (kế hoạch đề ra 90%); cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký, được xét duyệt đạt chuẩn văn hóa trên 70%. Đến nay, huyện Gia Lâm có 20/20 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó 15 xã đạt danh hiệu nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu. Hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở từng bước được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả; đã có 09/22 xã, thị trấn có Trung tâm VHTT được xây dựng độc lập đạt chuẩn. Toàn huyện 162/164 thôn, TDP có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 30 sân vận động, 67 sân bóng đá mini, 240 sân bóng chuyền, 190 sân cầu lông, 21 sân bóng rổ, 20 bể bơi, 02 sân quần vợt, 03 sới vật, 320 điểm lắp đặt các thiết bị TDTT ngoài trời…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng được triển khai quyết liệt, đạt kết quả tích cực. Huyện đã chỉ đạo xây dựng và triển khai hiệu quả đề án “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”; kế hoạch của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 09 về phát triển công nghiệp văn hóa. Đến nay, huyện Gia Lâm đã kiểm kê được 320 di tích, trong đó 163/320 di tích được xếp hạng các cấp. Đặc biệt, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa: thực hiện kiểm kê hiện vật, lập hồ sơ khoa học tại 221 di tích; dập, dịch các tư liệu hán nôm tại 121 di tích; tích hợp thuyết minh tự động, giới thiệu về di tích bằng tiếng Việt, tiếng Anh qua mã QR code và App GiaLam Audio Guide đối với 105 di tích. Ngoài ra, huyện cũng đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và nâng cao giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, công tác tu bổ, tôn tạo di tích.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trang trí, tuyên truyền trên địa bàn đã có nhiều đổi mới, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Thành phố và huyện, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng được duy trì thường xuyên và hoạt động có hiệu quả. Các phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp, thành công của 2 sự kiện thể thao là SEA Games 31 trên địa bàn huyện và Đại hội Thể dục thể thao các cấp được Trung ương, Thành phố ghi nhận, đánh giá cao, tạo ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Đối với công tác giáo dục đào tạo, huyện Gia Lâm đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường. Hiện 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, 98% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học và 84% giáo viên THCS đạt chuẩn và trên chuẩn. Chất lượng giáo dục đào tạo được duy trì và phát triển, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư, 73/79 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 92,4%.
Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ngày càng đạt nhiều kết quả, nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Phát huy hiệu quả của các quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, vướng mặc như công tác huy động nguồn lực xã hội hóa dành cho việc tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn còn nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu. Các thiết chế văn hoá ở cơ sở chưa phát huy hết giá trị, công năng sử dụng; còn khó khăn, bất cập trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công liên quan đến thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là các trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, huyện; còn 01 thôn, 01 TDP chưa có nhà văn hóa. Một số địa phương có tiềm năng về du lịch nhưng chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư xây dựng sản phẩm để thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tình trạng quá tải sĩ số học sinh trên lớp vẫn còn tồn tại; việc quản lý các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn một số xã gặp khó khăn, số giáo viên không ổn định, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Tại buổi làm việc, các Sở: Tài chính, Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao,… đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, các giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch, chuyển đổi số; tập trung công tác tuyên truyền; nâng cấp chất lượng, quảng bá các sản phẩm du lịch; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, di tích…
Phó Giám đốc Sở VHTT Trần Thị Vân Anh đề nghị, huyện Gia Lâm cần quan tâm đến chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, tiếp cận với Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; dành quỹ đất đảm bảo 100% các thôn, TDP có nhà văn hóa. Đối với công nghiệp văn hóa, huyện nên tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như làng nghề thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm phát triển văn hóa đọc với việc xem xét đầu tư thư viện độc lập…
Phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung vào mục tiêu xây dựng huyện thành quận
Kết luận tại buổi làm việc, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn cho rằng, Gia Lâm là huyện có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội với truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, anh hùng; Nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Huyện có mật độ di tích dày đặc, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng… lợi thế để phát triển du lịch. Trên địa bàn Huyện có các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn về khoa học kỹ thuật, là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để huyện Gia Lâm triển khai thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy. Đồng thời, Gia Lâm đang thực hiện Đề án xây dựng Huyện thành Quận trong giai đoạn 2020-2025; những vấn đề giao thoa văn hóa truyền thống và hiện đại, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, những vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, quy mô dân số tăng nhanh, tạo áp lực lớn đối với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa)… rất cần được quan tâm.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn đề nghị, trong nửa cuối nhiệm kỳ 2020-2025, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, góp phần hoàn thành các mục tiêu và 7 nhóm chỉ tiêu theo Chương trình số 06, huyện ủy Gia Lâm cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là mục tiêu xây dựng huyện thành quận, xã thành phường. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 09 của Thành ủy; huy động mọi nguồn lực bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, lịch sử, cách mạng, giá trị văn hóa phi vật thể. Đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa cơ sở, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện ra các huyện bạn, các tỉnh, Thành phố trong và ngoài nước. Rà soát bổ sung quy hoạch lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo; tập trung đẩy mạnh các phong trào thể dục thể thao quần chúng, phát triển các môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của huyện. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các cấp học, tiếp tục rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn nhằm duy trì, nâng cao chất lượng, số lượng trường học đạt chuẩn. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động; thanh, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Bên cạnh những nội dung trên, đồng chí Đỗ Anh Tuấn cũng đề nghị huyện Gia Lâm tập trung vào các nội dung có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố như: giải phóng mặt bằng; chỉnh trang đô thị; bảo vệ cảnh quan, môi trường, xử lý rác thải… Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người cần phải là việc làm thường xuyên, kiên trì, bền bỉ với quyết tâm chính trị cao và sự thống nhất, đồng bộ từ huyện đến từng cơ sở.
Thúy Nga