Cách đây 45 năm, ngày 30/4/1975, những cánh quân giải phóng thần tốc tiến vào Sài Gòn, chính quyền ngụy sụp đổ, đất nước sạch bóng ngoại bang, non sông nối liền một dải. Đại thắng mùa Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đỉnh cao của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết dân tộc đã kết hợp cùng sức mạnh thời đại, truyền thống đánh giặc giữ nước từ ngàn xưa của cha ông đã kết hợp với nghệ thuật quân sự hiện đại, nguyện ước hòa bình đã kết hợp với ý chí thống nhất đất nước trong mỗi người dân Việt Nam, tạo nên nguồn sức mạnh đánh bại kẻ thù có tiềm lực quân sự và công nghệ hiện đại gấp nhiều lần. Có thể nói, Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến thắng vĩ đại của lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết bao thế hệ người Việt Nam đã xếp bút nghiên lên đường ra trận. Dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh, nhưng buộc phải cầm súng. Chịu nhiều mất mát đau thương nên người Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Hòa bình, độc lập, thống nhất hôm nay được đổi bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ người Việt Nam. Do vậy không thể đánh đổi giá trị của một dân tộc lấy những thứ hòa bình viển vông, hòa bình áp đặt.
Trong cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, Hà Nội vừa là thành trì vững chắc của hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, vừa trực tiếp đương đầu với kẻ thù xâm lược. Khí phách Thăng Long ngời sáng, Hà Nội trở thành lương tri, phẩm giá của con người. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm 1972, “rồng lửa Thăng Long” đã quật nhào pháo đài bay Mỹ, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lớn, mở ra cục diện mới trên chiến trường để quân và dân ta làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Người Hà Nội tự hào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của toàn dân tộc.
Đất nước ta đã bước sang một trang mới với cuộc kiến tạo mới trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Mỗi người Việt Nam hôm nay không được phép lãng quên lịch sử, không được phép nguôi quên những đau thương, mất mát của chiến tranh. Trân trọng quá khứ để tri ân những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập của dân tộc và là cách tốt nhất để hướng tới tương lai. Mỗi người chúng ta cần hiểu hơn giá trị của hòa bình, để khẳng định trách nhiệm công dân đối với đất nước, với dân tộc, để đồng sức, đồng lòng xây dựng một Việt Nam cường thịnh trong dòng chảy mới của thời đại./.
Lâm Thanh