Di sản – Bảo tồn

Lan tỏa giá trị bảo vật quốc gia trong cộng đồng

HNM) – Lần đầu tiên, 12 bảo vật quốc gia cùng góp mặt tại triển lãm di sản mang tên “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội” – được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm là dịp để công chúng Thủ đô, du khách chiêm ngưỡng, tìm hiểu về những […]

HNM) – Lần đầu tiên, 12 bảo vật quốc gia cùng góp mặt tại triển lãm di sản mang tên “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội” – được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm là dịp để công chúng Thủ đô, du khách chiêm ngưỡng, tìm hiểu về những báu vật mang tính biểu trưng cho lịch sử, văn hóa vùng đất nghìn năm tuổi, đồng thời là cơ hội lan tỏa những giá trị của bảo vật tới cộng đồng.

 

Các đại biểu tham quan triển lãm di sản “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội” trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Huy Lê
Biểu trưng hiếm có qua nhiều triều đại
Những ngày này, Bảo tàng Hà Nội tấp nập khách tới thăm không gian trưng bày Triển lãm di sản “Bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội”. Được tận mắt chiêm ngưỡng những báu vật của đất nước, cảm nhận những dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ từng thời kỳ lịch sử trên mảnh đất Kinh kỳ, nhiều du khách không khỏi cảm thấy choáng ngợp. Ngô Thùy Dung, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại thương, bày tỏ: “Triển lãm cho em và bạn bè khối kiến thức lịch sử xuyên suốt nhiều triều đại, đồng thời có cơ hội thưởng lãm những giá trị văn hóa tiêu biểu không thể đo đếm thông qua những bảo vật quốc gia mà Thủ đô đang sở hữu”.
Tham quan bảo tàng và triển lãm bảo vật, bà Trần Thu Hương, giáo viên hưu trí tại Khu tập thể Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, nêu cảm nhận: Bảo vật quốc gia mà Hà Nội đang gìn giữ là biểu trưng hiếm có của nhiều triều đại trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Triển lãm là dịp để người dân thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thêm tự hào và từ đó có ý thức tốt hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản mà cha ông để lại. Chính vì vậy, rất cần có thêm những cuộc trưng bày, triển lãm, góp phần làm lan tỏa giá trị di sản, giáo dục lịch sử, nâng cao ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng.
Niềm mong mỏi của người dân cũng là nỗi trăn trở của cơ quan quản lý. Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, Thủ đô hiện có 12 bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận. Các bảo vật này có niên đại trải dài từ văn hóa Đông Sơn đến thời nhà Nguyễn. 4/12 bảo vật, gồm trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng trong trống, chuông Thanh Mai, đèn gốm men Lam xám, Long đình gốm Bát Tràng đang được bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng Hà Nội. Những bảo vật còn lại được lưu giữ tại nhiều khu di tích như đình, đền, chùa… trên địa bàn. Bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt chung về bảo quản, an ninh,…, do tính đặc thù nên mỗi bảo vật đòi hỏi điều kiện bảo quản riêng. Bởi vậy, công tác bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị bảo vật quốc gia luôn là thách thức không nhỏ.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (Hội đồng Di sản Việt Nam) nhận xét: Thực tế, nhiều bảo vật không nằm trong bảo tàng mà nằm trong di tích, do cộng đồng quản lý. Mỗi địa phương, mỗi di tích lại tùy điều kiện mà có những cách bảo vệ, gìn giữ khác nhau… nên sự lo ngại về an ninh, nguy cơ xuống cấp, mất mát luôn hiện hữu. Điều này cũng khiến nhiều nơi ngại ngần khi đưa bảo vật ra giới thiệu với công chúng.
Phát huy giá trị bảo vật 
Trưng bày thường xuyên bảo vật quốc gia là mong muốn của những người đang làm công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nhằm bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của người dân cũng như khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa và ý thức bảo tồn, tiếp nối những giá trị ấy. Nói như Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, di sản không thể phát huy giá trị nếu chỉ nằm mãi trong kho, không được ai biết tới.
Ông Nguyễn Tiến Đà cho biết: Bảo tàng đang gấp rút lên ý tưởng trưng bày với sự tư vấn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để bảo đảm tất cả những gì thuộc về Hà Nội, tạo nên dáng vẻ, hồn cốt và văn hóa Thủ đô sẽ được kết tinh trong nội dung trưng bày – dự kiến ra mắt công chúng đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-2019). Và, trong chuỗi câu chuyện lịch sử nghìn năm Thăng Long – Hà Nội ấy sẽ không thể thiếu sự hiện diện của bảo vật quốc gia. Cùng với đó, bảo tàng sẽ tiếp tục giới thiệu tới công chúng Thủ đô và khách tham quan cuốn sách về bảo vật quốc gia Thăng Long – Hà Nội; tổ chức chế tác sản phẩm thu nhỏ mô phỏng bảo vật với độ tinh xảo, chính xác tới từng chi tiết để tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh bảo vật.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị của bảo vật quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng: Cần gắn di sản với phát triển du lịch bởi mô hình này đang trở thành xu hướng chung, rõ hiệu quả. Hà Nội sở hữu lượng di tích đồ sộ cùng số bảo vật tiêu biểu thể hiện được chiều sâu văn hóa, lịch sử xuyên suốt, liên tục qua nhiều triều đại nên việc đưa ra các gói sản phẩm du lịch di sản hấp dẫn là hoàn toàn khả thi.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân khẳng định, cần có nhiều hình thức để tôn vinh bảo vật. Có thể xây dựng một mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh. Cùng với đó, nên có cơ chế đặc biệt dành cho bảo vật như ưu tiên về công tác bảo quản, trưng bày, có cơ chế phát huy giá trị đặc biệt hằng năm; đẩy mạnh hợp tác trưng bày bảo vật quốc gia giữa các bảo tàng từ trung ương tới địa phương và thực hiện điều đó ngay khi có cơ hội.
Theo Báo HNM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *