Với quan điểm chỉ đạo từ làm điểm đến nhân rộng mô hình, 15 năm qua (2000-2015), Ban chỉ đạo phong trào của thành phố đã chọn các nội dung trọng tâm xây dựng ấp văn hóa, khu phố văn hóa phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Các quận trung tâm tập trung vào việc xây dựng ý thức văn minh- mỹ quan đô thị gắn liền với xây dựng khu dân cư văn hóa như triển khai xây dựng tuyến đường, tuyến hẻm văn minh, xây dựng khu phố không rác, xây dựng tuyến đường điểm, tuyến kênh xanh – sạch –
đẹp. Tại các quận ven, Ban vận động khu dân cư phát huy vai trò với việc thực hiện có hiệu quả công tác quản lý người lao động từ địa phương khác đến cư ngụ trên địa bàn, gắn kết với phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa thông qua mô hình xây dựng khu nhà trọ văn minh, khu nhà trọ tự quản, câu lạc bộ chủ nhà trọ… Riêng các huyện ngoại thành, xây dựng ấp văn hóa, xã văn hóa được gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa tại các xã và liên xã để nâng cao mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa cho người dân ngoại thành.
Phó Chủ tịch UBND xã Nhuận Ðức (huyện Củ Chi) Nguyễn Văn Nhật cho biết, để thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác tuyên truyền phải được chú trọng. Các ngành, đoàn thể của xã đã phối hợp thực hiện tuyên truyền đến tận ấp, tổ nhân dân, lồng ghép nhiều nội dung, thông qua nhiều hình thức như: sinh hoạt chuyên đề, tiểu phẩm, thông qua các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt đoàn, tọa đàm. “Do đặc điểm xã có nhiều người là công nhân cho nên chúng tôi thường tuyên truyền vào buổi tối. Ðây được xem là yếu tố quan trọng giúp cho xã Nhuận Ðức thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới cũng như phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn”, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nhật cho biết thêm.
Từ việc triển khai đồng loạt, sâu rộng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả khá ấn tượng. Ðiển hình như phong trào “Người tốt, việc tốt”, trong 15 năm qua trên địa bàn thành phố có đến 587.691 lượt gương “Người tốt, việc tốt” được tuyên dương. Trong đó, nhiều gương được tuyên dương trong nhiều năm liền.
Nhắc đến anh Nguyễn Trương Minh Tiến, ở quận Tân Phú, là mọi người nhớ ngay đến một “hiệp sĩ” đường phố đã có hơn 600 lần dũng cảm truy đuổi bắt cướp. Hành động dũng cảm của anh đã góp phần gìn giữ sự bình yên trên địa bàn dân cư. Hay như ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, đã hiến hơn
500 m2 đất để làm đường, mở rộng hẻm, xây dựng nông thôn mới. Không chỉ thế, ông còn vận động nhiều gia đình khác hiến đất, cùng chung tay góp sức xây dựng xóm ấp ngày càng văn minh, khang trang hơn.
Hơn 15 năm qua, toàn thành phố có 15.425.591 lượt hộ gia đình được công nhận là “Gia đình văn hóa”. Các phong trào xây dựng ấp văn hóa, khu phố văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh nơi đô thị, xây dựng nông thôn mới đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, từ đó khơi dậy niềm tin và tạo động lực thi đua sáng tạo trong cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, quận đã chủ động triển khai đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ năm 2006 với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Các đề án: Xây dựng chín tuyến đường văn minh đô thị và các khu phố không rác; ký túc xá 135 Trần Hưng Ðạo đạt chuẩn văn minh – sạch đẹp; chợ Bến Thành đạt chuẩn văn minh – thương nghiệp… đã được người dân, tiểu thương hưởng ứng và tham gia tích cực. “Quận 1 còn xây dựng mô hình “Mỗi tuần 15 phút Vì thành phố văn minh, sạch đẹp” từ phường Bến Thành đến các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Bằng những việc làm cụ thể như dọn dẹp, tổng vệ sinh, cải thiện môi trường, quận 1 đã trở thành điểm sáng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần làm cho thành phố văn minh, đáng sống hơn”, Phó Chủ tịch quận Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ.
Trong giai đoạn 2017-2021, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng nền văn hóa và con người thành phố phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, mang nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng. Thực hiện mục tiêu đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phải thật sự lan tỏa rộng rãi và đi vào chiều sâu hơn nữa. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Ðể phong trào ngày càng hiệu quả, thiết thực, Ban chỉ đạo phong trào cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc tham gia thực hiện nhằm góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…
Theo Báo Nhân dân