Di sản

Lan tỏa tình yêu và trách nhiệm đối với di sản văn hóa phi vật thể dân tộc

Đó là đích đến của Chương trình Trải nghiệm cùng Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam do Quỹ Văn hóa – Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.

Trải nghiệm cùng Di sản Văn hóa Phi vật thể của Việt Nam – Vietnam Intangible Cultural Heritage (VICH) là dự án phi lợi nhuận nhằm mục đích quảng bá di sản văn hóa của Việt Nam với các bạn trẻ Việt Nam và quốc tế.

Trải nghiệm tại Làng Cốm Mễ Trì
Trải nghiệm tại Làng Cốm Mễ Trì

Tiếp nối thành công chương trình “Về nguồn – Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội xuân Ất Mùi”, chương trình “Di sản văn hóa phi vật thể và những đại sứ trẻ” năm 2015, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch số 1557/KH-SVH&TT ngày 16/05/2016 về việc tổ chức chương trình “Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam năm 2016”.
Chương trình được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu các làng nghề tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận đến với đông đảo du khách Việt Nam và nước ngoài thông qua hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm. Qua đó góp phần tôn vinh các nghệ nhân làng nghề.

Trải nghiệm tại Làng Gốm Bát Tràng
Trải nghiệm tại Làng Gốm Bát Tràng

Và nếu như ở các chương trình trải nghiệm trước đó mới chỉ bước đầu giúp các bạn trẻ có cơ hội được tiếp xúc gần hơn, sâu hơn với các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô thì ở chương trình năm nay, một bước tiến hoàn toàn mới đã được thiết lập. Chương trình đã giúp các bạn trẻ định vị rõ ràng vai trò, trách nhiệm của mình đối với di sản văn hóa phi vật thể – những giá trị tinh thần vô giá của dân tộc đã được các thế hệ đi trước tạo dựng qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm lịch sử.

Thuyết trình của các nhóm nhân vật trải nghiệm
Thuyết trình của các nhóm nhân vật trải nghiệm

Chặng đường 5 tháng vừa qua, các bạn trẻ Thủ đô đã được học cách hiểu, cách yêu và cách cống hiến cho sự tồn tại và phát triển của di sản văn hóa phi vật thể.
Thông qua quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng, BTC đã lựa chọn 6 làng nghề tại Hà Nội và các tỉnh lân cận bao gồm: Làng Cốm Mễ Trì Thượng, làng Chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng gốm sứ Bát Tràng, làng Múa rối nước Đào Thục, làng Chèo Khuốc – Thái Bình và làng nghề tranh dân gian Đông Hồ – Bắc Ninh làm điểm dừng chân cho các nhóm nhân vật trải nghiệm. Đối với mỗi địa điểm, BTC đã tiến hành công tác khảo sát và thường xuyên duy trì mối quan hệ làm việc, tương tác với chính quyền địa phương và các nghệ nhân làng nghề nhằm đảm bảo đưa ra nội dung chương trình trải nghiệm thật sự phong phú, hấp dẫn các bạn trẻ.

Trải nghiệm tại Làng Chuồn chuồn tre Thạch Xá
Trải nghiệm tại Làng Chuồn chuồn tre Thạch Xá

Xác định đối tượng mục tiêu của chương trình là các bạn học sinh, sinh viên, Ban tổ chức đã tận dụng tối đa các kênh truyền thông online – vốn là xu hướng tiếp cận thông tin chủ yếu của các bạn trẻ để phát đi mẫu đơn đăng ký tham gia chương trình. Chỉ trong 5 ngày phát động, BTC đã nhận về được 90 lá đơn, thu hút tổng số 300 bạn học sinh, sinh viên hiện đang học tập tại Hà Nội đăng ký tham gia chương trình. Sau 3 ngày phỏng vấn liên tục, BTC đã lựa chọn được 30 nhóm xuất sắc nhất chính thức nhận được tấm vé tham gia hành trình trải nghiệm cùng các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam năm 2016.

6

Các nhóm nhân vật trải nghiệm tuy đều mang trong mình nhiệt huyết, tài năng của tuổi trẻ, song còn thiếu về kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện một chuyến trải nghiệm hiệu quả cũng như kiến thức xác định và tạo lập dự án phát triển làng nghề; BTC đã thực hiện một buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trải nghiệm, xây dựng đề án cho tất cả các nhóm nhân vật trải nghiệm với các diễn giả đều là những thủ lĩnh, đã có những thành tựu nhất định trong việc phát triển các dự án về văn hóa như: Nguyễn Trung Thành – Giám đốc dự án 1102, Hoàng Đức Minh – Giám đốc dự án Wake it up, Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng Dự án Tôi xê dịch.
Kết thúc chuyến trải nghiệm, mỗi nhóm sẽ xây dựng đề án phát triển làng nghề theo định hướng của BTC. Các chủ đề BTC định hướng để các nhóm khai thác ở các làng nghề bao gồm: phát triển kinh tế, du lịch, truyền thông, mỹ thuật công nghiệp và nghệ thuật sân khấu.

Trải nghiệm tại Làng Rối nước Đào Thục
Trải nghiệm tại Làng Rối nước Đào Thục

Trải qua vòng chấm chọn sơ loại, BTC đã chọn ra 6 nhóm xứng đáng nhất đại diện cho tất cả các nhóm trải nghiệm tại 5 làng nghề. Đây là những đại diện tiêu biểu cho VICHER mùa 2016 mang sứ mệnh quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội, của Việt Nam. Họ sẽ là những nhân tố tích cực khơi dậy ý thức về việc tìm hiểu để yêu quý những vốn văn hóa phong phú của dân tộc.
Theo đánh giá của Ban giám khảo vòng sơ loại, các đề án đã được các nhóm thực sự đầu tư xây dựng một cách công phu, có phương pháp, phát huy được tính xung kích của tuổi trẻ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Đến nay, cộng đồng Vicher – địa chỉ của những bạn trẻ có đam mê với di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được định hình với 222 thành viên cốt cán. Con số này sẽ còn được phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Mô hình cộng đồng Vicher cũng sẽ được nghiên cứu để nhân rộng ở các trường học, nhóm cộng đồng nhằm lan tỏa tình yêu – trách nhiệm đối với di sản văn hóa phi vật thể dân tộc.

VV

Theo MaskOnline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *