Địa danh

Làng chổi, lạt Lê Xá

Gần một thế kỷ qua, cái tên Lê Xá – làng ven sông Đuống – làng nan, lạt đã trở thành cái tên quen thuộc, thành thương hiệu trên thị trường tiểu thủ công nghiệp…

Nghề làm tre, giang, nứa của làng Lê Xá đã có từ thế kỷ trước. Ban đầu dân làng làm dây quang, chấp thừng, đan quạt nan, cuốn chổi tre, chổi nứa, sau này, khi nhu cầu dùng lạt tăng lên, quạt nan, chấp thừng, dây quang ít dùng, nên người Lê Xá chủ yếu là chẻ lạt, làm chổi. Gần một thế kỷ qua, cái tên Lê Xá – làng ven sông Đuống – làng nan, lạt đã trở thành cái tên quen thuộc, thành thương hiệu trên thị trường tiểu thủ công nghiệp…

Đến làng Lê Xá, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, dù ngày dưng hay dịp lễ tết, bạn cũng luôn bắt gặp hình ảnh nhà nhà chẻ lạt, người người xé lạt, già trẻ, gái trai, từ cụ già 70 -80 đến những em bé chỉ chín mười tuổi cũng đều biết chẻ lạt, xé lạt. Những bàn tay nhỏ bé, xinh xinh hay những đôi tay gân guốc, già nua thoăn thoát chẻ, xé từng sợi lạt trắng xanh, mềm mại trông như múa khiến bạn cứ dán mắt mà nhìn. Dọc đường làng và trong các sân nhà đều thấy phơi lạt, những sợi lạt mỏng tang, mềm và rất dai, khiến ta liên tưởng đến câu thành ngữ: Lạt mềm buộc chặt.


Đình, nghè Lê Xá – nơi thờ thành hoàng làng

Những chiếc lạt bé nhỏ đó được tạo ra từ những cây tre, cây giang, cây nứa. Giang, tre được người ta chọn lựa kỹ, phải những cây bánh tẻ, dẻo, được lấy tận vùng rừng sâu ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình về. Ngày ngày những chiếc ô tô chở tre, giang, nứa kìn kìn kéo về Lê Xá để chẻ thành lạt, thành chổi. Sáng, trưa, chiều, tối, chỉ cần một con dao sắc, mấy đoạn tre, giang là người Lê Xá có thể ngồi bất cứ đâu mà chẻ nan, lạt. Sợi lạt nhỏ bé mà dẻo dai và hữu ích vô cùng, từ bó rau đến bó hoa, gói bánh, gói giò… đều cần đến nó, những chiếc chổi nan nhỏ xinh, hầu như nhà nào cũng có. Những chiếc lạt, cái chổi không chịu ngồi yên một chỗ mà theo chân những người bán hàng đi khắp phố phường, xóm làng của Hà Nội, đến các chợ đầu mối và nhiều tỉnh thành cả nước và ra nước ngoài. Tất cả đều mang thương hiệu: Lạt, chổi Lê Xá.

Để làm ra những chiếc lạt, hay cái chổi phải trải qua nhiều công đoạn như: ra thanh, cạo vỏ, chẻ, tước và cuối cùng là xé. Muốn sợi nan, lạt tốt thì khúc tre, giang, nứa phải to, tươi, thẳng, không bị sâu …. Để đảm bảo cho sợi lạt, sợi nan được mềm và dẻo dai thì phải phơi nắng. Một ống giang, tre, nứa đẹp dưới tay người thợ khéo sẽ chẻ ra được từ 100 đến 300 sợi lạt và hàng trăm sợi chổi. Một người thợ khéo, chăm chỉ một ngày có thể kiếm được dăm ba trăm ngàn đồng, người thấp cũng được dăm chục, một trăm ngàn. Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, nếu đi qua Lê Xá, ai cũng bắt gặp hình ảnh lạt phơi đầy trên những con ngõ hay trên đường cái quan. Bất cứ chỗ nào cũng có người ngồi với ống nứa, con dao và những dảnh lạt, thanh nan trắng xanh. Như dao, tre nứa cũng sắc, chỉ sơ ý là có thể chảy máu tay, nên người làm phải quấn vải ở hai đầu ngón tay cái và tay trỏ. Trước đây nghề chẻ lạt, làm nan, làm chổi còn bấp bênh, chủ yếu làm trong lúc nông nhàn, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu dùng lạt, chổi tăng vọt thì người dân mới có nhiều việc làm, nay nhờ giao thương thuận tiện, việc sản xuất và tiêu thụ trôi chảy nên người Lê Xá có việc làm quanh năm. Nhiều người trong làng muốn được công cao còn trực tiếp đi bỏ mối nan, lạt, chổi. Nhiều người trong làng biết chẻ lạt, chẻ nan từ khi mới 9 -10 tuổi, như ông Đỗ Văn Tuyến, 56 tuổi; ông Dương Văn Thường 62 tuổi; bà Đỗ Thị Hoán, 54 tuổi; ông Hoàng Văn Thái, 54 tuổi; bà Đỗ Thị Vân, 66 tuổi.


Người dân ngồi bên đồng chẻ nan, lạt rồi phơi

Nghề làm tre, giang, nứa của làng Lê Xá đã có từ thế kỷ trước. Ban đầu dân làng làm dây quang, chấp thừng, đan quạt nan, cuốn chổi tre, chổi nứa, sau này, khi nhu cầu dùng lạt tăng lên, quạt nan, chấp thừng, dây quang ít dùng, nên người Lê Xá chủ yếu là chẻ lạt, làm chổi. Gần một thế kỷ qua, cái tên Lê Xá – làng ven sông Đuống – làng nan, lạt đã trở thành cái tên quen thuộc, thành thương hiệu trên thị trường tiểu thủ công nghiệp. Theo cụ Đào Văn Ngọt, 80 tuổi – một người đã có 70 năm làm nghề, thì nghề làm giang, tre, nứa của làng có từ gần 2000 năm nay, theo hình thức cha truyền, con nối. Nhà cụ đã hơn 10 đời làm nghề này. Xưa làng Lê Xá là đất giang cối, thuộc tổng Cói. Nghề là do tướng Đào Kỳ và Phương Dung – thời Hai Bà Trưng truyền dạy (?), nay 2 tướng được thờ ở đình làng. Sau này, nghề chẻ lạt của Lê Xá còn lan sang cả làng bên – làng Hội Phụ, xã Đông Hội.
Nhờ có nghề chẻ lạt và làm nan, chổi mà cuộc sống của nhân dân Lê Xá khấm khá. Nhà cao tầng san sát mọc lên.Kinh tế phát triển, việc làm thêm ổn định đã góp phần không nhỏ để Lê Xá xây dựng Nông thôn mới. Đến làng Lê Xá, xã Mai Lâm bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp một khung cảnh thanh bình, thơ mộng với cây đa, giếng nước, sân đình, cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay của một làng quê nằm bên sông Đuống, cách không xa dốc Vân. Người dân Lê Xá rất chăm chỉ, tháo vát và hiếu khách.

Thanh Quy

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *