Tin tức - Sự kiện

Lấy ý kiến người dân về Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội”

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trong toàn thành phố để hoàn thiện dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Dự thảo đưa ra lấy ý kiến hiện có 4 chương, 14 điều, trong đó quy tắc ứng xử nơi công cộng tập trung tại chương II Quy tắc ứng xử chung và chương III Quy tắc ứng xử tại một số nơi công cộng cụ thể.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng khi đưa vào thực hiện nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức, điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng một thành phố thanh lịch, văn minh.
Dưới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xin đăng tải toàn văn dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội”

THÀNH PHỐ HÀ NỘI

QUY TẮC ỨNG XỬ
NƠI CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích
1. Từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng Thành phố thanh lịch, văn minh.
2. Góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi áp dụng của Quy tắc là nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
2. Đối tượng áp dụng của Quy tắc là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương II
QUY TẮC ỨNG XỬ CHUNG

Điều 3: Quy tắc ứng xử chung
NÊN LÀM:
1. Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng.
2. Tôn trọng không gian chung của cộng đồng.
3. Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực.
4. Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội.
5. Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em.
6. Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, người yếu thế; phê phán hành vi sai trái.
7. Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không vi phạm nội quy, quy tắc nơi công cộng.
2. Không nói to, gây ồn ào, mất trật tự.
3. Không kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực.
4. Không nói tục, chửi bậy; xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.
5. Không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện.
6. Không xả rác thải, chất thải trái nơi quy định.
7. Không phá cây xanh, hoa, cỏ, xâm hại cảnh quan.
8. Không tự tiện sử dụng không gian, phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân, không đúng quy định.
9. Không viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng.
10. Không mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm.
11. Không thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng.
12. Không sử dụng vũ khí, chất gây nổ trái phép.

Chương III
QUY TẮC ỨNG XỬ TẠI MỘT SỐ NƠI CÔNG CỘNG CỤ THỂ

Điều 4: Tại vỉa hè, lòng đường
NÊN LÀM:
1. Giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường.
2. Duy trì trật tự, vệ sinh thường xuyên.
3. Đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.
2. Không treo, đặt biển hiệu quảng cáo trái phép.
3. Không đun, nấu, đốt lửa trên vỉa hè, lòng đường.
4. Không tự ý thay đổi hiện trạng vỉa hè, lòng đường.
Điều 5: Tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên
NÊN LÀM:
1. Tham gia bảo vệ, đóng góp, phát huy giá trị công trình.
2. Giữ gìn trật tự, vệ sinh không gian chung.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không viết, vẽ, treo, dán quảng cáo, leo trèo lên tượng đài và công trình.
2. Không hái hoa, bẻ cành, phá rào, trèo cây, hái quả.
3. Không bày, bán hàng nơi không được phép.
Điều 6: Tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo
NÊN LÀM:
1. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống.
3. Chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự.
4. Đi nhẹ, nói khẽ, trang phục phù hợp.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan.
2. Không lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể, cá nhân.
3. Không xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 7. Tại bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa
NÊN LÀM:
1. Giữ gìn trật tự; hạn chế dùng điện thoại di động.
2. Hợp tác và tuân thủ theo hướng dẫn.
3. Đóng góp, xây dựng và bảo vệ tài sản.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không làm hư hại, sai lệch hiện vật.
2. Không mang theo vật nuôi.
3. Không mang phương tiện, vật dụng dễ cháy, nổ.
Điều 8. Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn
NÊN LÀM:
1. Niêm yết giá và nguồn gốc sản phẩm.
2. Cung cấp, trao đổi thông tin, giao tiếp đúng mực.
3. Xếp hàng khi mua bán.
4. Sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không mua, bán hàng giả, kém chất lượng, hàng độc hại, phi pháp.
2. Không nói sai, cân đong gian dối.
3. Không gây mất trật tự trị an.
4. Không mua, bán ngoài phạm vi quy định.
Điều 9. Tại nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, thuyền, sân bay
NÊN LÀM:
1. Giữ gìn trật tự, an ninh, tôn trọng quy định chung.
2. Xếp hàng mua vé đúng quy định.
3. Trao đổi thông tin, tuân thủ hướng dẫn đầy đủ.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không tranh giành khách, đón xe, trả khách trái quy định.
2. Không chất, chở đồ đạc, hàng hóa cẩu thả.
3. Không mua, bán hàng rong.
4. Không bày biện, ăn uống, ngủ nghỉ tùy tiện.
Điều 10. Khi tham gia giao thông
NÊN LÀM:
1. Tự giác chấp hành luật giao thông.
2. Có thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện khi tham gia giao thông.
3. Cấp cứu người bị nạn, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông tới cơ quan công an.
4. Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy.
5. Đi đúng tốc độ, làn đường quy định.
6. Quan sát kỹ trước khi qua đường.
7. Nhường nhịn khi có va chạm trên đường.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không dừng, đỗ xe sai quy định.
2. Không uống rượu bia khi lái xe.
3. Không chở quá số người quy định.
4. Không chở hàng hóa quá tải, quá khổ.
Điều 11. Tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch
NÊN LÀM:
1. Mặc trang phục phù hợp.
2. Thể hiện tình cảm đúng mực.
3. Cung cấp, trao đổi thông tin, tuân thủ theo hướng dẫn.
4. Mua, bán hàng đúng nơi quy định.
5. Đóng góp, xây dựng, bảo vệ cảnh quan môi trường.
6. Lấy sách hướng dẫn, bản đồ, tập gấp du lịch khi thực sự cần thiết.
7. Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán của địa phương.
KHÔNG NÊN LÀM:
1. Không chen lấn, xô đẩy, gây rối.
2. Không ăn uống, ngủ, nghỉ tùy tiện.
3. Không tổ chức các hoạt động trái quy định.
4. Không sử dụng đồ chơi kích động bạo lực gây nguy hiểm, độc hại.
5. Không tranh giành khách, chèo kéo du khách sử dụng dịch vụ.
6. Không nâng giá hàng hóa và dịch vụ đối với khách du lịch.

Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
1. Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan Thường trực triển khai, tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử.
2. Thủ trưởng các cơ quan của Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử này tại cơ quan và trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
3. Các cơ quan báo chí của Trung ương và Thành phố tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Quy tắc ứng xử này tới cán bộ, nhân dân trong toàn thành phố để biết và cùng giám sát việc thực hiện ở các cấp; phát hiện, cổ vũ, động viên những tập thể và cá nhân thực hiện tốt; phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm.
4. Các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Hiến pháp, pháp luật và có trách nhiệm thực hiện Quy tắc này.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức công đoàn các cấp của Thành phố có trách nhiệm tổ chức, vận động, kiểm tra, giám sát đoàn viên, hội viên thực hiện tốt Quy tắc ứng xử này.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiên cứu, lồng ghép nội dung bộ quy tắc ứng xử trong việc giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô.
Điều 13. Khen thưởng, kỷ luật
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định.
2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.
Điều 14. Điều khoản thi hành
Quy tắc được phổ biến đến toàn Đảng bộ, Chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tấn báo chí và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

Theo MaskOnline

Bình luận

  1. Tôi ủng hộ Hà Nội xây dựng Dự thảo này, vì Hà Nội hôm nay nhiều hành vi không đẹp, bị rơi rớt nhiều những giá trị văn hoá, cũng như những nét đẹp của hành vi văn hoá xưa. Xã hội ngày một phát triển, vậy mà chúng tôi chỉ ao ước văn hoá HN ” bao giờ cho đến ngày xưa”, thật là điều để tất cả chúng ta phải suy nghĩ và nuối tiếc. Tôi mừng vì HN đã xây dựng bộ qui tắc này, nhưng từ ban hành cho tới thực hiện vẫn là một khoảng cách xa vời, cho dù những điều nên và không nên trong bộ Qui tắc rất đơn giản, nhưng nó lại không dễ có kết quả khi ý thức của cộng đồng chưa được nâng lên ở mức tự giác thực hiện. Song song với việc ban hành, tôi nghĩ cần phải dùng ảnh hưởng của sức mạnh truyền thông ơ mọi phương diện và phương tiện. Trên truyền hình còn nhiều những giờ phát sóng nếu không nói là vô bổ thì cũng không mang lại lợi ích gì nhiều cho cộng đồng, hãy dành một thời lượng nào đó để tuyên truyền cổ vũ cho những nét đẹp của phong cách sống, hành vi văn hoá đẹp, văn minh, chuẩn mực, đồng thời lên án, đả phá trực diện tới những điều xấu xí, vô văn hoá của những hành vi ứng xử của mọi giới, mọi tầng lớp. Một mặt, việc tuyên truyền và thực hiện hành vi này nên đưa vào học đường, lựa chọn các qui tắc phù hợp cho từng giai đoạn tuổi của học trò, giúp các em ý thức được về điều này ngay từ nhỏ thì chúng ta mới hy vọng lớp con cháu mình là người văn minh theo đúng nghĩa! Xin đóng góp một vài y kiến!

  2. Tôi nghĩ Thành phố nên kết hợp cùng với một đơn vị truyền thông chuyên nghiệp để có những hoạt động truyền thông xã hội sâu sắc và tạo hiệu ứng tốt hơn. Nên thử sử dụng các đơn vị bên ngoài (agency quảng cáo, pr …) chứ các hình thức tuyên truyền cũ không thực sự tác động tới người dân, đa phần toàn hô hào khẩu hiệu một thời gian ngắn rồi lại hết.

  3. Tôi rất quan tâm đến việc bạo lực vẫn đang xẩy ra trong môi trường giáo dục hiện nay. Tôi đang băn khoăn liệu qui chế này có tác động tích cực tới vấn nạn này trong các trường học? Nhìn thấy rõ một điều là hành vi và văn hoá ứng xử trong cộng đồng nói chung và một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ nói riêng đang xuống cấp rõ ràng. Đọc qui tắc với một số điểm chung chung này, tôi không hiểu nó có thể tiếp cận và chấn chỉnh đc điều đáng lo ngại này không? Mong các nhà dự thảo lưu ta tới từng hành vị cụ thể đang diễn ra hàng ngày để xây dựng các qui tắc cho sát với những việc đang cần khắc phục hơn.

  4. Hoan nghênh Sở VH đã vào cuộc, tuy rằng cũng đã muộn, nhưng còn hơn không! Ng Việt chúng ta nói chung có rất nhiều thói quen không đẹp, để thay đổi được là một việc không dễ dàng gì! Tuy nhiên việc cần thì vẫn phải cố. Tôi hy vọng nếu qui tắc này đc thực hiện tốt, sẽ có nhiều thay đổi tích cực trong cộng đồng.

  5. Những việc trong bộ qui tắc này vẫn được nhiều người thực hiện hàng ngày mà, chỉ có những người “quên” hoặc không thích trở thành những người lịch sự văn minh lịch sự không coi trọng mà thôi. Nhìn thì đơn giản, nhưng thay đổi lớp người này hơi bị khó đấy

  6. Mình sợ nhất mấy em gái miệng son hồng, xinh xinh nhưng nói tục, chửi bậy kinh hồn 🙁 Trong bộ qui tắc này cũng có nói đến việc này đấy, chỉ sợ các em ấy chả bao giờ đọc thì…thua:)

  7. Người Hà nội ngày xưa được coi là chuẩn mực về văn hóa, về hành vi ứng xử
    Người Hà nội ngày nay, hiện đại gấp 100 lần ngày trước giờ phải học lại về các chuẩn mực văn hóa và hành vi ứng xử như thời chưa có ánh sáng văn minh rọi vào. Nghĩ buồn buồn là. Dù sao vẫn mong bộ QT này có ích một phần nào. Ủng hộ!

  8. Đi ngoài đường mình sợ nhất “mấy bác” đi trước xong nhổ toẹt bãi nước bọt chả cần biết có ai đi gần, đi sau, có văng vào người khác hay không. Bộ Quy tắc này thật ra rất dễ thực hiện, vấn đề ở ý thức của mỗi người. Hi vọng các nhà quản lý sẽ đưa ra được cách thức tuyên truyền hợp lý để Bộ Quy tắc có thể trở thành thói quen nằm lòng của mỗi người. Liệu có nên đưa quy tắc ứng xử này vào các trường học, tạo thói quen từ bé sẽ tốt và dễ dàng hơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *