Sáng thứ Hai, ngày 20/3, trong không khí trang nghiêm, Ban Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các phòng quản lý nhà nước thuộc Sở đã thực hiện Lễ chào cờ tháng 3 và tham dự buổi sinh hoạt dưới cờ nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm”.
Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn đề xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng một xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của hiến chương Liên hợp quốc để thúc đẩy hoà bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện.
“Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc, có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đều công nhận rằng: hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác và rất nhiều đồng loại của chúng ta đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu sa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không nên từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người”.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “ Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hằng năm”. Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam, kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với cộng đồng nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20/3.
Các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc của Việt Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu: Vì một thế giới hoà bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc.
“Tại Thủ đô Hà Nội, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “tổ chức các hoạt động nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 hằng năm” và các văn bản hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, hướng dẫn các hoạt động về tổ chức ngày quốc tế hạnh phúc đó là : (1) các chỉ tiêu nhiệm vụ được xác định trong thực hiện chương trình 06 của Thành uỷ về “phát triền văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” với các trọng tâm xây dựng Gia đình văn hóa/Thôn – Tổ dân phố văn hoá; chương trình 03 của Thành ủy với việc thực hiện các chỉ tiêu đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển đô thị; chương trình 04 của Thành ủy với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; chương trình 08 của Thành ủy với nhiệm vụ nâng cao đời sống dân sinh, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; UBND Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch hoạt động cụ thể, các hướng dân tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3… Bám sát chỉ đạo của thành phố, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các quận huyện thị xã đã có những hoạt động thiết thực, phù hợp với yêu cầu thụ tiễn để triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với vai trò là cơ quan tham mưu, hướng dẫn tổ chức các hoạt động trong 10 năm qua, bước đầu đã có kết quả, góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng Thủ đô” – ông Bùi Minh Hoàng cho biết.
Trưởng phòng Nếp sống văn hóa và gia đình Bùi Minh Hoàng cũng nhấn mạnh thêm: “Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, với thông điệp “Hạnh phúc cho mọi người” chúng ta hãy cùng chung tay kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc, của Thăng long nghìn năm văn hiến; giữ gìn nét đẹp văn hoá ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc – cộng đồng hạnh phúc – xã hội hạnh phúc – khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến anh hùng hữu nghị, tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô”.
Tố Quyên