Lễ hội

Lễ hội rước nước làng Cát Bi

Xa xưa, lễ hội làng Cát Bi được tổ chức tưng bừng suốt 3 ngày đêm, từ mùng 7  đến hết mùng 9 tháng Tư âm lịch, dân trong vùng đến dự hội đông vô cùng…

Dù ai buôn bán trăm nghề

Đến ngày mùng Tám thì về hội Bi

Câu ca dao ấy là nói về hội làng Cát Bi – một lễ hội tiêu biểu của cư dân đồng bằng sông Hồng – Lễ hội rước nước. Lễ hội làng Cát Bi gắn với đình và chùa. Đình – chùa Cát Bi là 1 quần thể kiến trúc theo kiểu tiền Thánh hậu Phật – đình thờ thành hoàng gắn với tín ngưỡng nhà Phật. Lễ hội là dịp kỷ niệm ngày Đản sinh của Tứ Pháp trong tín ngưỡng dân gian người Việt và kỷ niệm công lao của thành hoàng làng với đất nước, vào ngày 8 tháng Tư hàng năm.

Ở làng Cát Bi, huyện Phú Xuyên vẫn lưu truyền câu chuyện về sự tích ra đời của hai pháp – khởi nguồn của lễ hội. Đó là Pháp Vân (còn gọi là Pháp Vân Bồ tát phả Bắc Ninh) và Pháp Vũ (còn gọi là Pháp Vũ Bồ tát Chiên ưng phả chạch Đại Vương) và mẹ của 2 Bà là Thánh Thánh mẫu Man Nương.

Sự tích Tứ Pháp trong dã sử Việt Nam có kể lại rằng: 2.000 năm trước, Bà Man Nương đi tu ở chùa Linh Quang, vùng Kinh Bắc, tự nhiên có thai. Đến kỳ sinh nở, sư trụ trì đưa bà vào rừng. Tại đây, ngày 8 tháng Tư, Bà Man Nương sinh ra một bọc trứng. Trước sự lạ, nhà sư niệm thần chú vào một cây cạnh đó, cây há ra, ngậm bọc trứng vào. Chuyện rằng, một ngày cuối xuân, tiết trời ấm áp, trước thành Cổ Loa một cây dâu cứ quẩn quanh dưới chân thành và phát ra tiếng sáo, nhạc, tiếng ca hát véo von. Thấy sự lạ, quân lính vào báo đức Vua. Vua liền cho người vớt cây dâu lên bờ. Đêm đó, trong giấc mơ của mình, nhà Vua thấy 1 nàng tiên kiều diễm đến trước mặt và bảo Người phải cắt cây gỗ làm 4 mảnh, đúc thành 4 bức tượng đặt tên là Vân, Vũ, Lôi, Điện. Khi thợ đến xẻ gỗ ra thì thấy giữa cây có 1 viên ngọc. Vô ý, người thợ đánh rơi viên ngọc xuống sông. Tượng đúc xong, Vua tổ chức rước đi kinh lý cầu mưa. Riêng 2 pho tượng Vũ, Vân hàng trăm quân lính dồn sức cũng không sao nhấc nổi. Biết chuyện mất ngọc, nhà Vua liền cho rước bà Man Nương đến. Miệng đọc bài thần chú, tay cầm gậy Tầm Xích buộc dải yếm, bà Man Nương thả gậy xuống nước, viên ngọc nổi lên…Sau này, ở ngôi chùa của mình, dân Cát Bi đã đặt viên đá biểu tượng cho viên ngọc dưới chân 2 Pháp. Viên ngọc là vật linh thiêng, vì vậy nhiều đời qua dân làng Cát Bi luôn nâng niu, bảo vệ.

Đời Vua Lý Nhân Tông, hạn hán kéo dài. Năm ấy Vua cho người đi thỉnh rước Tứ Pháp để cầu mưa. Khi kiệu qua đất Nam Sơn, huyện Thượng Phúc (Phú Xuyên ngày nay), thấy cảnh đẹp, người hiền, 2 Pháp Vân, Vũ đã lưu lại nơi đây. Ngôi chùa Phổ Am và đình Cát Bi được xây dựng sau đó, cũng vào thời Lý. Chùa Phổ Am hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý và 14 bản sắc phong, từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Đình Cát Bi sau nhiều lần tu sửa, giờ mang dáng dấp của ngôi đình thời nhà Nguyễn. Đình còn lưu giữ cuốn thần phả và 11 bản sắc phong của các triều đại phong kiến. Đình – chùa làng Cát Bi, xã Thụy Phú đã được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng cấp Quốc gia năm 1993.

Xa xưa, lễ hội làng Cát Bi được tổ chức tưng bừng suốt 3 ngày đêm, từ mùng 7  đến hết mùng 9 tháng Tư âm lịch, dân trong vùng đến dự hội đông vô cùng. Chiều ngày mùng 7 tháng Tư, làng cúng cấp thủy. Sau đó rước 2 chóe  xuống thuyền ra sông Hồng lấy nước. Đoàn rước nước sẽ khởi hành từ cụm di tích chùa Phổ Am- đình Cát Bi, vòng quanh làng rồi ra sông Hồng. Đồng hành với những chiếc thuyền chở chóe và dân làng là hàng chục, có khi hàng trăm chiếc thuyền, đò của dân 2 bên bờ thuộc 2 tỉnh: Hà Tây cũ và Hưng Yên. Đoàn thuyền đi cách xa làng khoảng 500-1.000m về hướng Bắc để lấy nước. Theo quan niệm dân gian, ra giữa dòng, về hướng đầu nguồn, nơi ấy nước mới thật sự trong sạch, mát mẻ. Do thờ 3 mẹ con Tứ Pháp nên làng sẽ lấy 9×3=27 gáo nước trên sông. Vào 0 giờ ngày mùng 8 tháng 4, những người được coi là “sạch sẽ” của làng sẽ tắm nước Thánh cho các Bà. Ngay cả việc chọn người múc nước vào chóe cũng rất công phu, do trực tiếp Nhân dân hoặc 1 Ban dân cử ra để chọn xét. Nó gần giống với tiêu chuẩn Người tốt việc tốt hiện nay của chúng ta.

Cụm di tích Quốc gia đình – chùa Cát Bi

Lễ hội làng Cát Bi

Giữa dòng sông Hồng, về phía Bắc được coi là nước nguồn thiêng liêng của người nông dân

Sau khi đã lấy đủ 27 gáo nước, đoàn rước nước sẽ trở lại đình. Chóe nước ấy trở thành chóe nước Thánh linh thiêng. Từ chiều mùng 8 trở đi sẽ là phần Hội, với những chiếu chèo, những trích đoạn tuồng hay những trò chơi dân gian như: Chơi cờ, đu, thi nấu cơm… Ngày nay, lễ hội rước nước làng Cát Bi được tổ chức gọn trong ngày 8 tháng Tư. Trình tự lễ rước cũng gần giống với xưa kia, phần lễ vẫn có: Cúng cáo yết, cúng cấp thuỷ, rước cấp thuỷ trên sông Hồng, cúng cháo thí, thả hoa đăng… mừng đản sinh Tứ pháp và tưởng nhớ Thành hoàng làng. Phần hội có thi giã bánh giầy, chơi bắt chạch trong chum, thi thổi cơm và các chương trình văn nghệ, thể thao.

Đình Cát Bi thờ Ngũ Công, con ông Lý Bột, quê Đông Hải, Hải Dương ở thời vua Hùng thứ 18, là: Cự Công, Lân Công, Trưởng Công, Khanh Công, Quý Công. Các ông được Hùng Duệ Vương phong là Chính quan cửu phẩm, phong hầu là ngũ long hầu lạc tướng quân. Các ông đã cùng Tản Viên Thánh đánh tan quân Thục. 5 ông sau khi mất đã được phong thần: Cự Công, Lân Công, Quý Công được Vua phong là Thủy Thổ giáng thần, Trưởng Công đươc phong là Thụy tướng quân báo quốc chính, Khanh công được phong là Bộ Lại đô đốc thống lĩnh Long Châu. Trưởng Công và Khanh Công mất trên đường khải hoàn đánh đuổi giặc khỏi đất Hồng Châu, nơi các ông hóa là làng Đa Chất, Phú Xuyên ngày nay. Những nơi Ngũ Công đi qua đều được vua Hùng cho lập miếu thờ. Đình, miếu Cát Bi là nơi 2 ông từng đi qua đã được nhận sắc phong cùng long báu vật, y phục, gồm: Hoàng bào, mũ ren các loại.

Có nhiều truyền thuyết khác lại cho rằng, đất Cát Bi ngày nay là do 2 ông Trưởng Công và Khanh Công khai phá, lập ấp nên dân làng ghi nhớ công lao và tôn 2 ông cùng những người anh em ruột có công đánh giặc, giữ nước làm thành hoàng làng.

Lễ hội và tục rước nước làng Cát Bi phản ánh đời sống văn hóa của cư dân đồng bằng sông Hồng với lễ hội nông nghiệp, lễ hội tưởng niệm các anh hùng và lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, với những nhân vật cụ thể như: Vua Hùng, Tứ Pháp, Ngũ Công… Lễ hội còn phản ánh niềm khát khao mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của Nhân dân

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *