Tin ngành

Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hoá – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023 đã thành công tốt đẹp

Sáng ngày 7/4, được sự đồng ý của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Văn hoá thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hoá – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023; triển khai Kế hoạch hoạt động Văn hoá Nghệ thuật quần chúng quý II năm 2023.

Dự Hội nghị có Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh – Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; Trưởng Phòng Văn hoá Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội) Trần Quốc Việt; lãnh đạo Trung tâm Văn hoá thành phố Hà Nội; lãnh đạo Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã…

Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hóa – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023 được tổ chức tại 2 Cụm Cơ sở: Cụm 1 vào các ngày 21,22/3 tại sân khấu ngoài trời Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (số 7 – Phùng Hưng – Hà Đông); Cụm 2 vào các ngày 26,27/3 tại sân khấu ngoài trời Không gian biểu diễn Nghệ thuật, Ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (ngõ 612 đường Lạc Long Quân). Liên hoan nhằm tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử và thực tiễn của Đề cương Văn hóa Việt Nam, các Nghị quyết của Đảng về phát triển Văn hóa; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc… Thông qua Liên hoan góp phần khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết Liên hoan

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tại Hội nghị tổng kết Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trân trọng cảm ơn sự phối hợp triển khai của 24/30 quận, huyện, thị xã, cùng thành phố tổ chức thành công Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hóa – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023. Liên hoan có ý nghĩa hết sức to lớn, vừa chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và mừng Xuân Quý Mão 2023, vừa kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Trong điều kiện hết sức khó khăn khi triển khai nhiệm vụ nhưng các đơn vị vẫn cố gắng tạo sức lan tỏa của Liên hoan từ cấp Cơ sở. Ban Tổ chức ghi nhận 4 đơn vị đã tổ chức Liên hoan cấp Cơ sở. Qua đó lựa chọn được những tiết mục đặc sắc, nâng cao để đảm bảo yếu tố nghệ thuật tốt nhất cho vòng chung khảo Liên hoan cấp Thành phố. Ban Tổ chức đã đề xuất khen thưởng giải phong trào cơ sở để ghi nhận những đóng góp của các đơn vị. Ban Tổ chức cũng trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo UBND quận Tây Hồ, cũng như Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức tốt Cụm Liên hoan tại khu vực Tây Hồ. Ở Cụm Liên hoan này có sự lan tỏa rất lớn, không chỉ các diễn viên, nhạc công và các anh, chị, em về tham dự Liên hoan mà còn thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân đến tham quan, cổ vũ cho Liên hoan.

Phát biểu đánh giá về nghệ thuật, NSND Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội, Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan cho biết: Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hoá – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023 đã thành công tốt đẹp. Việc tham gia Liên hoan của các đoàn nghệ thuật không những thể hiện được trách nhiệm của mỗi người với sự phát triển phong trào văn hoá nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội, mà còn là nơi để các đơn vị được thi thố tài năng, được giao lưu gặp gỡ và học hỏi bạn bè kinh nghiệm trong công tác văn hoá quần chúng ở cơ sở.

Dưới ánh đèn sân khấu lung linh sắc màu, người xem đã chứng kiến 24 đơn vị nghệ thuật thuộc các quận, huyện, thị xã, với gần 2.000 diễn viên không chuyên tham gia. 76 tiết mục tham gia Liên hoan (48 tiết mục đồng ca, hợp xướng và 28 tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca) được các nhạc sĩ, biên đạo tư duy, dàn dựng rồi thông qua tài năng khéo léo, tinh tế, tâm huyết của các diễn viên quần chúng các thế hệ ngày đêm luyện tập, sáng tạo bằng cả trái tim, bằng những suy cảm tinh tế, chứa đựng sâu thẳm trong đó là tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật.

Các tiết mục tham gia Liên hoan được đánh giá dàn dựng công phu, hoành tráng

Thành công của Liên hoan là sự trình diễn của 48 tiết mục đồng ca, hợp xướng được dàn dựng công phu, hoành tráng trên sân khấu, cách hát khoẻ, hào hùng nhưng cũng rất điêu luyện, tinh tế, uyển chuyển, nhẹ nhàng, kỹ thuật đồng đều, hoàn chỉnh nhằm truyền tải thông điệp nội dung bài hát đúng với tính chất tác phẩm, tạo ấn tượng tốt và cuốn hút người xem. Đây là những tiết mục đông người, có tiết mục trên 100 người biểu diễn. Khi trình diễn trên sân khấu là phải đầu tư rất nhiều lĩnh vực: Luyện tập hát phải bỏ nhiều công sức, thời gian sao cho nhiều người hát được chuẩn, đều, hát theo nhiều bè, hát đuổi, hát đúng sắc thái… Múa phù hoạ cũng phải đầu tư đông diễn viên tương xứng với dàn hát, nội dung múa phải phù hợp nội dung tác phẩm. Ngoài ra còn phải đầu tư đạo cụ, trang phục, âm thanh, ánh sáng… Điển hình là các tiết mục: “Thăng Long vững mãi cơ đồ – Việt Nam ngày mới” (quận Tây Hồ); “Pác Bó hát mãi tên Người – Tổ quốc trong tôi…” (quận Nam Từ Liêm); “Hào khí Việt Nam – Thênh thang đường mới” (quận Hà Đông); “Dưới lá cờ Việt Nam” (huyện Thanh Trì); “Thăng Long – Việt Nam bay lên” (quận Ba Đình); “Hào hùng trang sử vàng Đông Anh” (huyện Đông Anh); “Đảng là cuộc sống của tôi” (quận Bắc Từ Liêm); “Non sông ngàn năm gấm vóc” (huyện Phúc Thọ); “Ngàn lần tôi hát Việt Nam ơi” (huyện Thường Tín)… Đây là những cố gắng đáng trân trọng của các đơn vị trong tổ chức luyện tập các tiết mục cũng như trong công tác quản lý, xây dựng chương trình tham gia Liên hoan.

Thành công của Liên hoan có sự xuất hiện của nhiều giọng hát hay. Trong 4 đêm, khán giả được thưởng thức nhiều giọng ca không chuyên nhưng hát rất điêu luyện, kỹ thuật thanh nhạc tốt, các tiết mục dàn dựng công phu, kỹ lưỡng, truyền tải tốt nội dung, tư tưởng tác phẩm của tác giả. Các tiết mục được diễn viên biểu diễn tự tin, nhiệt huyết, nồng cháy, sôi động, lôi cuốn người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tiêu biểu như tiết mục: “Giai điệu tự hào” – biểu diễn Ngọc Ngà (huyện Phúc Thọ); “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” – biểu diễn Hồng Nhung (huyện Đông Anh); “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” – biểu diễn Trịnh Trang Nhung (huyện Thanh Trì); “Xin chào Hà Nội tương lai”- biểu diễn Vương Long, Hạ Lan (quận Tây Hồ); “Tiếng chân dài” – biểu diễn tam ca nam (quận Hoàng Mai); “Cung đàn bình yên” – biểu diễn tốp ca nữ (quận Bắc Từ Liêm)…

Liên hoan lần này còn phải kể đến đội ngũ diễn viên múa không chuyên hùng hậu. Số lượng tác phẩm múa độc lập tuy ít nhưng đóng góp trong múa phù hoạ (đặc biệt là múa phù hoạ tác phẩm đồng ca, hợp xướng) thì thật đáng trân trọng. Với 5 tiết mục múa độc lập: “Huyền thoại một chặng đường” (huyện Thanh Trì), biên đạo dàn dựng tốt, diễn viên biểu diễn tốt, xem xúc động. Còn các tiết mục: “Hoa sen trắng” (huyện Quốc Oai), “Hương sen dâng Bác” (huyện Thanh Oai), “Sắc xuân hội tụ” (thị xã Sơn Tây), “Sắc hoa” (quận Cầu Giấy), chất lượng trung bình khá. Nhiều tiết mục múa phù hoạ trong đồng ca, hợp xướng đã tạo nên hiệu ứng ấn tượng tuyệt vời. Các tác phẩm được biên đạo tư duy sáng tạo, dàn dựng tốt, diễn viên biểu diễn đồng đều, kỹ thuật múa chắc chắn, uyển chuyển, trang phục đẹp, phù hợp với nội dung tác phẩm đã tạo nên hiệu ứng nâng cao chất lượng tác phẩm và chương trình. Tiêu biểu là các tiết mục múa phù hoạ các chương trình của quận Tây Hồ, quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, quận Cầu Giấy, huyện Thanh Trì, huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, huyện Hoài Đức…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hóa – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023 còn đọng lại một số suy tư trong xây dựng chương trình của các đơn vị, như: Các tiết mục đồng ca, hợp xướng cần phải chú trọng thêm về sắc thái hát trong tác phẩm. Vẫn là tác phẩm như vậy nhưng cách dàn dựng làm sao khi người nghe thấy lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, lúc hào hùng mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng tình cảm, có lẽ tác phẩm sẽ hay hơn. Những tiết mục liên khúc không nên hát hết cả bài, chỉ nên hát mỗi bài một đoạn, biên tập sao cho các đoạn nối với nhau cùng tông âm nhạc, hợp lý về nội dung cần truyền tải. Một số tiết mục phù hoạ lạm dụng đạo cụ quá nhiều nên sân khấu bị rối, che lấp hết cả diễn viên hát… Giám khảo Nguyễn Ngọc Anh đánh giá thêm.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh trao giải Nhất Chương trình cho các đơn vị

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh trao giải Khuyến khích phong trào cơ sở  cho các đơn vị

Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh – Phó Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan trao giải Nhì Chương trình cho các đơn vị 

NSND Nguyễn Ngọc Anh – Trưởng Ban Giám khảo Liên hoan và Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Trần Thanh Tú trao giải Chuyên đề cho các đơn vị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương 24/30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã về dự Hội nghị tổng kết Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hóa – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023, thiết thực kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam. Đây là Liên hoan Ca múa nhạc được kế thừa, phát triển từ Liên hoan đồng ca, hợp xướng “Đảng – Mùa xuân – Dân tộc” hàng năm. Đồng chí thấy đáng tiếc khi có 6 đơn vị không tham gia, trong đó có 2 đơn vị đã tổ chức được Liên hoan cấp Cơ sở nhưng không có đội tuyển tham gia chung khảo cấp Thành phố. Phó Giám đốc Sở cho rằng tham gia sân chơi của Thành phố có nghĩa là đã góp phần giữ gìn, lan tỏa, quảng bá được nét văn hóa đặc sắc của địa phương mình. Phó Giám đốc Sở gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc, cán bộ, viên chức Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội đã chung sức, trách nhiệm để có được sản phẩm Liên hoan vui vẻ, phấn khởi như hôm nay, mong các đồng chí tiếp tục phát huy. “Có được những sản phẩm văn hóa nghệ thuật sạch, đẹp khi lên sân khấu, mỗi người sẽ cảm nhận thấy yêu cuộc sống hơn” – Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh.

Nhân dịp tổng kết Liên hoan Ca múa nhạc “Văn hóa – Hội tụ – Bản sắc và Phát triển” – Hà Nội năm 2023, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quyết định cấp Giấy chứng nhận và khen thưởng cho 39 giải tại Liên hoan. Trong đó 2 giải Nhất Chương trình cho quận Tây Hồ và huyện Thanh Trì; 10 giải Nhì Chương trình cho quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Đông Anh, quận Ba Đình, quận Bắc Từ Liêm, quận Hai Bà Trưng, quận Cầu Giấy, quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Oai, quận Đống Đa; 10 giải Ba Chương trình cho huyện Phúc Thọ, huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai, quận Long Biên, huyện Thường Tín, huyện Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, huyện Quốc Oai, quận Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; 2 giải Khuyến khích phong trào cho huyện Chương Mỹ, huyện Phú Xuyên; 15 giải Khuyến khích phong trào cơ sở và giải Chuyên đề: Giải phong trào cơ sở (quận Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Trì, huyện Gia Lâm, quận Long Biên); giải bố cục chương trình tốt (quận Hà Đông); giải tiết mục múa xuất sắc “Huyền thoại một chặng đường” (huyện Thanh Trì); giải chương trình đồng ca có nhiều thế hệ tham gia (quận Tây Hồ, quận Bắc Từ Liêm, quận Cầu Giấy); giải đơn ca xuất sắc – Ngọc Ngà (huyện Phúc Thọ), Hồng Nhung (huyện Đông Anh); giải múa triển vọng, tiết mục “Hoa ban trắng” (huyện Quốc Oai); giải chỉ huy Nguyễn Thị Phương (huyện Sóc Sơn), Lê Khắc Bình (quận Ba Đình); giải tiết mục biểu diễn ấn tượng “Tiếng chân dài” (quận Hoàng Mai).

Cũng tại Hội nghị tổng kết Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh đã triển khai Kế hoạch hoạt động Văn hóa Nghệ thuật quần chúng quý II năm 2023.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *