Ngày 15/3, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày “Lửa thanh xuân” với nhiều hình ảnh, hiện vật quý gắn liền với ký ức thanh xuân, quá trình hoạt động Đoàn của các nhân chứng lịch sử.
Trưng bày “Lửa thanh xuân” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò nhằm ôn lại truyền thống cách mạng đầy tự hào của dân tộc thông qua những hình ảnh, tư liệu, những nhân chứng lịch sử về một thời kỳ chiến đấu vì độc lập dân tộc.
Đây là hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019), 69 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2019) và 55 năm phong trào “Ba sẵn sàng” (9/8/1964 – 9/8/2019).
Buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Lửa thanh xuân” có sự tham dự của nhiều đại biểu trong đó có nhiều người nguyên là cán bộ Đoàn, các chiến sĩ cách mạng năm xưa, nhiều cựu binh từng bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò, Phú Quốc.
Với bước chân đi lại khó khăn do di chứng của chiến tranh, dù cho tai không còn thính, mắt không còn tinh nhưng trong lòng nhiều nhân chứng lịch sử, ký ức về một thời thanh xuân sôi nổi không thể nào quên.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Châu Văn Mẫn hào hứng kể cho thế hệ trẻ câu chuyện của ông qua những bức ảnh, những hồi ức về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.
Hay như bác Nguyễn Tài Triệu – một chàng trai Hà Nội đi theo tiếng gọi của Đoàn Thanh niên, tham gia phong trào bảo vệ Tổ quốc. Năm 1965, Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, chàng trai Nguyễn Tài Triệu khi đó mới 16 tuổi đã viết đơn bằng máu, xung phong vào Nam chiến đấu. Bác Triệu bồi hồi nhớ lại: “Tháng 6/1967, trong một trận đánh ở thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), tôi bị thương ở chân và bị địch bắt. Chúng liên tục tra hỏi nhưng tôi chỉ trả lời một câu duy nhất: “Không biết”. Không khai thác được gì, chúng để mặc vết thương của tôi không chữa trị dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, phải cưa chân đến 3 lần, cụt gần đến háng. Một tháng rưỡi sau, khi vết thương còn mưng mủ, chúng chuyển tôi về trại giam Hồ Nai (Biên Hòa) và sau đó là trại giam tù binh Phú Quốc”. Ở chàng trai Thủ đô ấy là sự sôi nổi, nhiệt tình của tuổi trẻ, một tinh thần đấu tranh bất khuất, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn và đầy nhiệt huyết.
Với 3 nội dung chính: Khúc ca tuổi trẻ, Ánh sao nơi tù ngục, Niềm tin và Khát vọng, trưng bày “Lửa thanh xuân” tập trung giới thiệu về sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đoàn viên, thanh niên trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Người xem có thể được nhìn lại những bức ảnh quý giá về thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều chiến sĩ cách mạng như: Lý Tự Trọng, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý …
Bên cạnh đó, trưng bày cũng mang đến cho công chúng 25 hiện vật gắn liền với ký ức thanh xuân, quá trình hoạt động Đoàn của các nhân chứng lịch sử, như: Huy hiệu “Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam”, Giấy khen, Bằng khen, những bức thư,…
Mỗi tư liệu, hiện vật, hình ảnh được thể hiện trong trưng bày chuyên đề “Lửa thanh xuân” sẽ giúp khách tham quan hiểu hơn về bước đường phát triển của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; những đóng góp, hy sinh của các thế hệ thanh niên Việt Nam vì sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc; truyền động lực để thế hệ thanh niên hôm nay tiếp nối truyền thống của cha ông, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Trong dịp này, Đoàn Thanh niên nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức đến tham quan trưng bày “Lửa thanh xuân” để ôn lại truyền thống cách mạng của tuổi trẻ thế hệ đi trước. Qua đây, một lần nữa minh chứng cho nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu với quê hương, đất nước của bao thế hệ cha ông đi trước mà thế hệ thanh niên hôm nay cần học tập và phát huy mạnh mẽ truyền thống ấy, để “lửa thanh xuân” luôn rực cháy trong lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam.
Đông Hoàng
Theo MaskOnline